25/12/2024

Gói hỗ trợ, làm ngay thôi!

Gói hỗ trợ, làm ngay thôi!

Dù thừa nhận ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đều cho rằng cần miễn giảm thuế và tiền thuê đất, thay vì gia hạn thời gian nộp thêm 3-5 tháng như Bộ Tài chính đề xuất.

 

Gói hỗ trợ, làm ngay thôi! - Ảnh 1.

Các DN mong Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ để DN vượt khó. Trong ành: một DN sản xuất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương – Ảnh: T.T.D.

Đặc biệt, cần có chính sách riêng để hỗ trợ kịp thời cho các ngành du lịch, vận tải, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 với tổng số tiền được gia hạn là 115.000 tỉ đồng.

Giãn, hoãn thuế như cho vay không lãi suất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Tài chính thừa nhận rằng với diễn biến dịch bệnh COVID-19 khá phức tạp thời gian qua, DN thuộc nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, đình trệ sản xuất và sụt giảm doanh số, nhiều DN có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động.

“Do đó cơ chế giãn, hoãn nộp tiền thuế và tiền thuê đất có tính chất như là khoản cho vay không lãi suất của Nhà nước dành cho DN và cá nhân, hộ kinh doanh nhằm giúp giảm bớt khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh. Ước tính sẽ có khoảng 96% DN cả nước được hưởng chính sách này nếu được Chính phủ thông qua”, vị này nói.

Theo ông Đường Trọng Khang – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đề xuất nói trên của Bộ Tài chính tạo thuận lợi cho DN, nhất là những đơn vị có doanh thu lớn với tiền thuế GTGT được lùi thời hạn nộp 5 tháng là rất tốt.

“Với số tiền này, như một khoản vay không lãi suất khá lớn, các DN sẽ có thêm dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Khang nói.

Dẫn trường hợp Công ty thương mại và xây dựng Tây Bắc (Hà Nội) được gia hạn hơn 400 triệu đồng tiền thuế và tiền thuế đất trong năm 2020, ông Nguyễn Trung Hiếu, giám đốc Công ty thương mại và xây dựng Tây Bắc, cho biết khoản tiền này đã giúp DN dễ thở hơn, có điều kiện xoay xở trong bối cảnh dịch bệnh.

“Nếu năm nay tiếp tục được áp dụng các chính sách này, DN sẽ có thêm động lực để hoạt động và đóng góp tiền thuế cho ngân sách”, ông Hiếu kỳ vọng.

Gói hỗ trợ, làm ngay thôi! - Ảnh 2.

Số liệu tồn kho của các ngành sản xuất tại thời điểm cuối năm 2020 so với cùng kỳ năm trước Nguồn: Tổng cục Thống kê – Đồ họa: N.KH.

Giúp doanh nghiệp: cần miễn, giảm thuế

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và DN, ngoài việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất như đề xuất của Bộ Tài chính, các bộ ngành cần trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập DN tùy theo từng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, chỉ nên áp thuế thu nhập DN ở mức 15% với các DN siêu nhỏ và 17% với DN nhỏ, thay vì áp mức phổ biến là 20% như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết theo Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018, các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17% nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa áp dụng. Do vậy, cần sớm thực hiện giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo lộ trình của luật.

Ngoài ra, với một số lĩnh vực đặc biệt, bên cạnh việc đề nghị thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng thêm 5 tháng, cũng nên nghiên cứu giảm 50% thuế này để kích cầu.

“Đặc biệt, cần kế thừa chính sách giảm 30% tiền thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020”, ông Được nói

Theo nhiều DN, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính sách cần được ban hành càng sớm càng tốt để DN có cơ hội duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi trong thời gian tới. Nếu chậm được hỗ trợ, DN càng bị kiệt quệ, sẽ khó phục hồi và nguồn thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng

Với đề xuất giảm 30 – 50% tiền thuê đất, theo các DN, Bộ Tài chính cần sớm trình Thủ tướng, đồng thời sớm nghiên cứu để đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua việc giảm thuế thu nhập DN, thuế GTGT tại kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 3-2021.

“Chính sách phải được ban hành và áp dụng kịp thời mới hỗ trợ thiết thực cho DN”, giám đốc một DN nói.

95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa

Theo ông Vũ Thế Bình – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, ngành du lịch VN bị tổn thất chưa từng có do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19 vào năm 2020 khiến cho lượng khách quốc tế đến VN chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%.

Khách nội địa cũng đạt 56 triệu lượt, giảm hơn 34%. Tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỉ đồng, giảm 58,7%, tương đương 19 tỉ USD. Khoảng 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

* Ông Đường Trọng Khanh (phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc):

Nên giảm 30 – 50% tiền thuê đất

Dịch lại tiếp tục bùng phát khiến DN các ngành du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng kinh doanh ăn uống vô cùng khó khăn. Thực tế doanh thu từ năm 2020 giảm mạnh, thậm chí không có, nên lợi nhuận âm. Hàng loạt khách sạn tại Đà Nẵng, Hà Nội… phải tự đóng cửa, thậm chí phải rao bán.

Xe chở khách du lịch được bán thanh lý hàng loạt vì nằm đắp chiếu cả nửa năm trời… nên việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất không có ý nghĩa nhiều.

Do vậy, với các DN ngành du lịch, vận tải, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, DN phải ngừng sản xuất kinh doanh 15 ngày do COVID-19, Chính phủ nên sớm xem xét giảm 30 – 50% tiền thuê đất trong năm 2021, thay vì mức 15% như năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên trình Quốc hội đề xuất miễn hoặc giảm 50% tiền thuế môn bài. Dù số thuế môn bài chỉ 1-2 triệu đồng/DN là không nhiều nhưng là sự động viên rất lớn về mặt tinh thần.

* LS Trần Xoa (giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang):

Xem lại quy định nộp thuế thu nhập DN

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như hiện nay, việc Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho DN là điều đáng mừng nhằm làm vơi bớt phần nào khó khăn cho DN.

Tuy nhiên, nếu được gia hạn 3 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập DN tạm nộp của quý 1 và quý 2, nên chậm nhất là đến ngày 31-10 DN cũng phải nộp đủ số thuế được gia hạn. Trong khi đó, DN vẫn khó chồng khó do đầu năm dịch COVID-19 lại diễn biến phức tạp.

Do vậy, để nhẹ gánh hơn cho DN, tôi cho rằng Bộ Tài chính nên đề nghị Chính phủ sửa quy định DN phải tạm nộp đủ 75% thuế thu nhập DN trong 3 quý. Trong trường hợp ngân sách khó khăn, cần động viên vào ngân sách nhiều hơn thì chỉ nên tăng lên mức 65%.

Về phía người lao động, nên sửa quy định tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% với khoản thu nhập vãng lai có khoản thu nhập từ 2 triệu đồng vì mức này quá thấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Mức hợp lý theo tôi nên là 5 triệu đồng.2-2 tại Hà Nội.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG
TTO