25/12/2024

‘Dọn mình’ khi không được đi lễ hội

‘Dọn mình’ khi không được đi lễ hội

Hai mùa xuân thiếu vắng lễ hội, cái mất đã rõ mà cái được cũng không ít. Đây là cơ hội để chúng ta xốc lại những xộc xệch của lễ hội, dẹp đi những mê tín dị đoan.

 

Dọn mình khi không được đi lễ hội - Ảnh 1.

Người dân đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM dịp đầu năm – Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Lai Thúy – nhà phê bình văn học và văn hóa – về chủ đề này.

Khôi phục lại chiều kích tâm linh của lễ hội

* Thưa ông, lại một mùa xuân nữa chúng ta phải hủy bỏ các lễ hội vì đại dịch, đây có lẽ là một mất mát với người dân?

– Chắc chắn đó là sự mất mát về mặt tâm linh của người dân. Lễ hội xưa là dịp để người dân được đối diện trực tiếp với điều thiêng liêng, nên nếu bản thân mình được tham dự với điều thiêng liêng thì sẽ tốt hơn.

Đời sống tâm linh cực kỳ quan trọng. Cái tâm linh là cái thiêng và cái thiêng thì rất rộng lớn. Ví dụ Tổ quốc là một giá trị tinh thần, giá trị tâm linh thiêng liêng. Giống như khi đứng hát quốc ca dưới quốc kỳ, người ta có thể cảm thấy rùng mình rung động thì đó là sự linh thiêng, là tâm linh.

Đất nước có nhiều lễ hội tốt đẹp vẫn tốt hơn. Vì thế khi phải đóng cửa các di tích, dừng lễ hội thì đó chắc chắn là một sự mất mát với người dân, nhưng vì điều kiện thực tế khách quan không cho phép nên phải chấp nhận.

Trước dịch bệnh, thiên tai, tất nhiên nhu cầu được thực hành văn hóa, đời sống tâm linh phải nhường chỗ cho sức khỏe, sự an toàn của người dân.

* Nhưng hủy bỏ lễ hội lần này cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những sai lạc của một số lễ hội mà dựng lại nó tốt hơn về sau? Những năm qua dư luận đã phải than phiền quá nhiều về những lộn xộn của lễ hội.

– Đây là cơ hội để nhìn lại những lộn xộn của lễ hội gần đây để mà dựng lại nề nếp cho lễ hội về sau. Phần hội trong lễ hội ngày nay bị thế tục hóa, bị thương mại hóa quá đáng.

Ngày xưa các cụ đi lễ hội là hành hương, mục đích là thanh lọc tâm hồn cho phù hợp với điều thiêng liêng mà họ tin, nên đi lễ hội là gột rửa được lòng trần, gột rửa những tham lam, giận dữ, ích kỷ. Giờ quan niệm bị lệch đi, cái tâm thế đi hội đã khác, nên mới chen chúc, giẫm đạp, ẩu đả.

Thêm nữa, có thời người ta làm lễ hội bị nghèo nàn bằng chủ trương xây dựng kịch bản lễ hội, ốp kịch bản đó vào mọi lễ hội khiến các lễ hội đều giống nhau, nhàm chán, nên càng dễ bị xen cái thế tục vào.

Lễ hội trước đây, phần hội vẫn ở không gian thiêng, còn giờ phần này chỉ mang tính giải trí. Khi lễ hội bị kịch bản hóa, ở đâu cũng thấy đấu vật, kéo co, cũng thi bắt vịt…

Trước đây, các trò chơi trong lễ hội đều mang ý nghĩa thiêng. Ví dụ như trò kéo co, trong lễ hội ngày nay nó như một trò chơi cho nên đội nào khỏe thì thắng nhưng trong lễ hội ngày xưa là hành động thiêng, nên bên nào thắng thua được quy định trước.

Ví dụ năm ấy mà trời hạn hán nhiều, dương thịnh, người ta cho bên nữ thắng để lấy cái âm con người bù trừ, khắc chế cái dương của trời đất, vũ trụ, để cầu mưa thuận gió hòa cho con người trồng cấy.

Những trò chơi đua thuyền, bắt vịt cũng vậy, đều mang ý nghĩa thiêng, phần hội thiêng phục vụ cho phần lễ tạo thành một thể thống nhất.

Cho nên, để dọn dẹp lại lễ hội, việc đầu tiên cần làm là phải khôi phục lại cái cốt lõi của lễ hội là tính thiêng, là chiều kích tâm linh của lễ hội. Con người có nhiều chiều kích (bản chất) như bản chất sinh học, bản chất xã hội và bản chất tâm linh. Phải làm sao khôi phục được tính thiêng, bản chất tâm linh của con người.

Tâm linh ở đây không phải mê tín mà là tôn thờ cái gì thiêng liêng mà người ta chưa hiểu được nhưng chúng là giá trị cao quý, giá trị đạo đức. Phải khôi phục tính thiêng của lễ hội thì người ta mới không có hành động vô văn hóa, quấy phá, không nói bậy, không vứt rác bừa bãi, không buôn gian bán lận, chặt chém ở lễ hội…

Đó là cơ sở đầu tiên để thay đổi lễ hội.

“Dọn mình” thanh sạch để bình yên

* Ngày nay người ta còn tham gia lễ hội để cầu xin đủ thứ nữa?

– Là vì người ta không phân biệt được cái tâm linh của lễ hội với cái mê tín. Cầu xin thánh thần ban cho cái nọ cái kia là mình mang mê tín chứ không phải tâm linh. Những điều tâm linh không có vụ lợi. Nhưng ngày nay nhiều người đến chùa lễ lạt như một sự trao đổi lễ vật với thần linh để được ban cho vật chất hay tinh thần, mang đầy tính chất vụ lợi.

Phải khơi gợi chiều kích tâm linh của mỗi con người khi tiếp xúc với cái thiêng liêng. Khi chưa thức tỉnh được chiều kích tâm linh trong mỗi con người, việc người ta đi chùa, đi hội như đi du lịch, nó không còn thiêng nên rất lộn xộn.

Trong một giai đoạn khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng giá trị, người ta muốn có chỗ dựa nên người ta tìm tới thánh thần.

Trong một xã hội mà chiều kích tâm linh trong con người bị phủ nhận, các chiều kích khác trỗi dậy, con người thành tham lam, độc ác. Từ đó, người ta muốn đi chùa xin được xóa tội hoặc cầu lợi, đặc biệt là với những người luôn bất an như đối tượng buôn bán và quan chức.

Đó là hai đối tượng cần chỗ dựa tinh thần, họ tìm tới thần linh để lễ lạt cầu xin và nó làm tăng thêm sự mê tín dị đoan trong xã hội.

* Trở lại câu chuyện được mất của việc phải hủy bỏ lễ hội năm nay, theo ông, làm thế nào người dân vẫn cảm nhận được điều linh thiêng, vẫn bình yên khi không thể đi lễ hội, tới các cơ sở thờ tự vì dịch?

– Nếu được đi đến lễ hội thì việc thanh lọc, thức tỉnh trong bản thân mình dễ dàng hơn. Giờ không có điều kiện tới đền chùa, lễ hội thì mình tự thức tỉnh bản chất tâm linh trong con người mình. Tất nhiên tự thức tỉnh, thanh lọc khó hơn nhưng không phải là không thể.

Xu hướng tôn giáo của thế giới hiện nay dần dần sẽ ít tính chất cộng đồng mà nhiều tính chất cá nhân hơn, nên mới có khái niệm “tôn giáo cá nhân” theo nghĩa mỗi người tự mình thức tỉnh bản chất tâm linh trong con người mình, một mình đối diện với những điều thiêng liêng, đối diện với Chúa, với Phật để thức tỉnh bản chất tâm linh trong con người mình.

Người dân cũng có thể tìm thấy sự bình yên cho mình bằng việc thắp hương vái vọng từ ngôi nhà của mình, “dọn mình” thanh sạch. Với sự thành tâm, dù không thể đến chùa, đến nhà thờ, đi hội, mình vẫn gặp được cái tốt đẹp. Với vấn đề tâm linh, cái tâm mới quan trọng nhất, mang tính quyết định.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
TTO