Cơ chế COVAX cấp vắc xin COVID-19 cho Việt Nam hoạt động ra sao?
Cơ chế COVAX cấp vắc xin COVID-19 cho Việt Nam hoạt động ra sao?
COVAX mong muốn phân phối 2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 trước cuối năm 2021 cho tất cả các nước, trong đó 50% dành cho 92 nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19” (viết tắt là COVAX) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.
Thông tin lạc quan mới nhất là các nước G7 (Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản) đã cam kết chia sẻ số lượng vắc xin công bằng với những nước đang khó khăn chống đỡ với dịch bệnh này và có kế hoạch tăng gấp đôi số tiền đóng góp cho các chương trình vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức lên 7,5 tỉ USD.
Đợt đầu phân phối 337 triệu liều vắc xin
Sáng kiến COVAX ra đời trong năm 2020 lấy cảm hứng từ các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh Ebola ở Tây Phi.
Đồng chỉ đạo COVAX có Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Về lộ trình vắc xin, mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Mọi quốc gia (bất kể mức phát triển) đều có thể tiếp cận vắc xin COVID-19 của COVAX.
Mục tiêu cuối cùng là các quốc gia tham gia COVAX được tiêm chủng ít nhất 20% dân số, bắt đầu từ đội ngũ y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Để tài trợ cho nguồn cung ứng vắc xin, COVAX huy động tài trợ từ các nguồn quỹ công và quỹ tư nhân.
Trong năm 2020 đã có hơn 2 tỉ USD được huy động từ các chính phủ, tổ chức thiện nguyện và khu vực tư nhân.
Khoản huy động này vượt mục tiêu ban đầu, do đó đầu tháng 2-2021, COVAX đã công bố kế hoạch phân phối các liều vắc xin đầu tiên.
Tổng cộng sẽ có 337 triệu liều được phân phối cho 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trước cuối tháng 6-2021.
Nước giàu sử dụng cơ chế khác nước nghèo
Cơ chế COVAX được thiết kế như phao cứu sinh cho các nước không đủ khả năng tiếp cận vắc xin và giữ vai trò như kho dự trữ cho các nước đủ khả năng mua vắc xin nhưng không chắc có nhận được vắc xin an toàn và hiệu quả hay không.
Đến nay có 190 quốc gia tham gia cơ chế COVAX nhưng giữ vai trò khác nhau.
Các nước có mức thu nhập cao có thể đặt hàng với COVAX để đổi lấy khoản trả trước tương ứng với số liều vắc xin đặt hàng. Điều này giúp các hãng dược liên quan tăng tốc độ sản xuất vắc xin ngay cả trước khi có giấy phép.
COVAX đánh giá cơ chế này là “rủi ro” vì có thể một số loại vắc xin sẽ không bao giờ đến đích hoặc được phê duyệt như trường hợp vắc xin của Sanofi (Pháp). Tuy nhiên, cơ chế này giúp COVAX đủ khả năng phân phối vắc xin trên quy mô lớn ngay khi vắc xin được cấp phép.
Theo báo Les Echos (Pháp), đến nay chỉ có Canada là nước thành viên G7 duy nhất đặt hàng vắc xin thông qua cơ chế COVAX.
Canada sẽ nhận 190 triệu liều vắc xin AstraZeneca trước cuối tháng 6-2021. Số vắc xin này bổ sung cho 400 triệu liều đã được Canada đặt hàng trực tiếp từ các hãng dược.
Đối với 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cơ chế COVAX giữ vai trò bảo đảm cung cấp vắc xin.
Cơ chế giúp đỡ các nước nghèo
Cam kết thị trường trước (AMC) là cơ chế tài chính do GAVI điều hành nhằm viện trợ vắc xin cho các nước không đủ khả năng mua vắc xin từ các hãng dược.
Ý tưởng của AMC là tận dụng các đơn đặt hàng của các quốc gia có mức thu nhập cao để khuyến khích các nhà sản xuất vắc xin đầu tư vào năng lực sản xuất. COVAX sẽ bảo đảm đủ vắc xin cung ứng cho các nền kinh tế đủ điều kiện.
Trên thực tế, cơ chế này nhận phần lớn tài trợ từ nguồn vốn ODA, bao gồm các khoản viện trợ tài chính đã dự kiến trong ngân sách nhà nước và được chuyển đến các nước đang phát triển theo danh sách của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Ngoài ra, để có vắc xin phân phối cho 92 quốc gia thụ hưởng từ COVAX, các quốc gia có thu nhập cao đã ký kết hợp đồng mua vắc xin có thể chuyển giao lại vắc xin thông qua COVAX.
Ví dụ Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết trong năm nay sẽ chuyển phần lớn số lượng vắc xin chưa sử dụng sang chương trình COVAX.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề xuất các nước giàu nên chuyển từ 3%-5% lượng dự trữ vắc xin COVID-19 sang châu Phi.