24/11/2024

Trung Quốc tháo dỡ các điểm đóng quân gần biên giới với Ấn Độ

Trung Quốc tháo dỡ các điểm đóng quân gần biên giới với Ấn Độ

Hình ảnh vệ tinh được công bố ngày 17-2 cho thấy Trung Quốc đã tháo dỡ hàng chục công trình và thiết bị để rút khỏi các điểm đóng quân dọc biên giới tranh chấp cùng Ấn Độ tại Himalaya.

 

Trung Quốc tháo dỡ các điểm đóng quân gần biên giới với Ấn Độ - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh tại khu vực Finger 7 và Finger 8, hồ Pangong Tso ngày 16-2 – Ảnh: REUTERS

Tuần trước, Trung Quốc và Ấn Độ tuyên bố kế hoạch rút quân, xe tăng và các thiết bị khác khỏi hai bên hồ Pangong Tso thuộc vùng Ladakh – khu vực trở thành điểm nóng nhất trong xung đột biên giới kéo dài nhiều tháng qua giữa hai nước.

Theo Hãng tin Reuters, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 16-2 do Công ty công nghệ Maxar Technologies (trụ sở ở Mỹ) cung cấp cho thấy nhiều điểm đóng quân của Trung Quốc tại một số khu vực ở bờ bắc hồ Pangong Tso đã được dỡ bỏ.

Trong khi đó, một quan chức Ấn Độ nói với Reuters Ấn Độ cũng “đang có động thái tương tự”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trước đó cho biết cả hai nước đã đồng ý rút quân khỏi Pangong Tso với nguyên tắc “theo giai đoạn, phối hợp và được xác minh”. Ông Rajnath Singh cũng thông báo các chỉ huy quân sự sẽ bàn luận về việc chấm dứt xung đột tại các khu vực khác ở Ladakh sau đó.

Trung Quốc tháo dỡ các điểm đóng quân gần biên giới với Ấn Độ - Ảnh 2.

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 30-1 (trên) và ngày 16-2 cho thấy Trung Quốc đã rút các điểm đóng quân tại khu vực Finger 6, hồ Pangong Tso – Ảnh: REUTERS

Căng thẳng giữa hai bên bắt đầu leo thang tại khu vực biên giới ở dãy Himalaya từ tháng 4-2020.

Thời điểm đó Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc tìm cách vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC), được xem là biên giới thực tế giữa hai nước. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Tuy nhiên, xung đột trên tiếp tục leo thang trong tháng 6-2020 khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với phía Trung Quốc ở khu vực Galwan, Ladakh.

Mặc cho nhiều nỗ lực ngoại giao, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn không thể đạt được đồng thuận tính tới tận tháng 2-2021. Thỏa thuận mới nhất được xem là giai đoạn đầu tiên của quá trình rút quân quan trọng này.

“Điều đang xảy ra hiện nay là, tại bất cứ nơi nào tiếp xúc trực tiếp, quân đội hai bên đã lùi lại một bước để giảm căng thẳng và mở đường cho việc tiếp tục xuống thang, đặc biệt phía bắc và phía nam của Pangong Tso”, nguồn tin quan chức của Reuters nói.

Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc rút quân hiện tại chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình sẽ còn kéo dài.

NGUYÊN HẠNH
TTO