14/01/2025

Hậu trường chính trị: Châu Âu cùng ‘dằn mặt’ Trung Quốc ở Biển Đông

Hậu trường chính trị: Châu Âu cùng ‘dằn mặt’ Trung Quốc ở Biển Đông

Kết hợp cùng các động thái quân sự, châu Âu đang thể hiện rõ hơn quan điểm sẽ phối hợp ngăn chặn các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude nằm trong số những tàu hải quân Pháp đi tuần tra qua Biển Đông /// AFP
Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude nằm trong số những tàu hải quân Pháp đi tuần tra qua Biển Đông AFP
Mới đây, thông qua mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tiết lộ một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này vừa có chuyến hải hành từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Trong đó, chiếc tàu ngầm đã đi đến Biển Đông để thể hiện “khả năng phối hợp xa bờ và lâu dài” với các đối tác chiến lược như Mỹ, Úc và Nhật. Chuyến hải hành còn được Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh như một cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế.
Theo giới quan sát, đó là một động thái của Pháp nhằm “dằn mặt” các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Liên quan đến châu Âu, Anh mới đây cũng tiết lộ sẽ sớm điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông.
Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho hay nước này muốn gửi chiến hạm đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific) để tập trận cùng hải quân Úc ở khu vực này. Úc là một thành viên trong “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) được xem là bộ khung của chiến lược Indo – Pacific nhằm đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
Cũng trong năm 2020, Pháp cùng với Anh và Đức đã gửi công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Kết hợp cùng các động thái quân sự, châu Âu đang thể hiện rõ hơn quan điểm sẽ phối hợp ngăn chặn các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sự phối hợp này có thể đạt hiệu quả lớn hơn khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Joe Biden, có xu hướng tăng cường hợp tác đa phương.
PHÁT TIẾN
TNO