Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa
Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng trên Đá Vành Khăn bị nước này chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Công ty công nghệ Simularity (Mỹ) ngày 16.2 công bố những hình ảnh vệ tinh mới nhất về Đá Vành Khăn cho thấy hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc kể từ cuối năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, theo tờ Inquirer. Simularity phát hiện nhiều thay đổi trong 7 địa điểm trên Đá Vành Khăn.
Chẳng hạn, hình ảnh chụp một địa điểm được đánh dấu là Khu 1 (Site 1) cho thấy khu vực này vẫn còn trống kể từ ngày 7.5.2020.
Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 4.2.2021 thể hiện hoạt động xây dựng một cấu trúc hình trụ kiên cố có đường kính 16 mét được cho là bắt đầu kể từ đầu tháng 12.2020. Simularity đánh giá đó là một cấu trúc trụ tháp ăng ten.
|
Tại Khu 2, các hình ảnh cho thấy một cấu trúc vòm lớn mới cùng cấu trúc radar cố định đã xuất hiện và không có ở đó 1 năm trước. Khu 4,7 thì được dọn sạch kể từ ngày 4.2.2021, trong khi Khu 5 và 6 ghi nhận hoạt động xây dựng mới.
Trên Facebook, tiến sĩ Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, cho rằng các cơ sở radar mới có thể đang trong giai đoạn hoàn thiện, thiết bị xây dựng cùng doanh trại đang được chuyển đến quanh đó, và một số khu vực có thể đang được dọn dẹp để xây những cơ sở mới hơn trong năm 2021.
|
Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của tổ chức Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cũng đã công bố các hình ảnh vệ tinh về Biển Đông kể từ năm 2013, bao gồm những bức ảnh năm 2020 về Đá Vành Khăn cho thấy những thay đổi và bổ sung trong cấu trúc từ năm 2017-2020.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu nạo vét, bồi đắp 7 bãi đá bị nước này chiếm đóng phi pháp, bao gồm Đá Vành Khăn, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến các thực thể này thành đảo nhân tạo được quân sự hóa.
Động thái trên cho thấy đại dịch Covid-19 đã không ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hoạt động phi pháp ở Biển Đông trong năm 2020.
PHÚC DUY
TNO