28/12/2024

TP.HCM: Hàng quán ‘hồi hộp’ mở cửa buôn bán đầu năm mới

TP.HCM: Hàng quán ‘hồi hộp’ mở cửa buôn bán đầu năm mới

Mùng 5 Tết Tân Sửu, nhiều quán cà phê, cửa hàng ăn uống… ở TP.HCM đã mở cửa khai trương năm mới. Tuy nhiên, dịch COVID-19 nên học sinh được nghỉ lâu, nhiều người lao động lại đang cách ly, nên các cơ sở kinh doanh có phần ”hồi hộp”.

 

TP.HCM: Hàng quán hồi hộp mở cửa buôn bán đầu năm mới - Ảnh 1.

Bạn trẻ chụp hình kỷ niệm tại một quán cà phê ở Q.1 – Ảnh: BÔNG MAI

Anh Nguyễn Trí Thành (chủ quán Khóm Coffee & Tea, Q.1) cho biết đợt Tết này, cửa hàng dành khoảng 30 triệu để mua hoa, sắm phụ kiện trang trí không gian cho khách chụp hình. Cửa hàng mở xuyên Tết, do đó các nhân viên đều được nhận lương nhân 3.

Vì năm nay lượng người xa quê ở lại TP.HCM ăn Tết khá đông, trước đó anh Thành dự đoán doanh thu mỗi ngày Tết tăng khoảng 50% so với ngày thường, doanh thu dịp Tết này tăng 50% so với Tết năm trước.

Tuy nhiên, diễn biến làm ăn trong thực tế có phần khó khăn, khi địa phương áp dụng chỉ thị 15 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

“Năm mới, khách tới đông nhưng chúng tôi không dám nhận hết, chỉ nhận số lượng hạn chế để đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch”, anh Thành nói.

Tình hình dịch phức tạp, doanh thu bị giảm ngay dịp cao điểm, anh Thành quyết định chỉ giữ lại 3 nhân viên thời vụ tiếp tục làm sau Tết, thay vì giữ 10 nhân viên như kế hoạch trước đó.

Trước thông tin Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán cà phê, trà đá từ 0h hôm nay 16-2, anh Thành cho biết khá hồi hộp, có phần lo lắng nếu TP.HCM cũng đóng cửa hàng quán như vậy, vì lần giãn cách trước quán thiệt hại nặng. Tuy nhiên, “nếu dừng thì dừng chung, không phải riêng mình, phòng dịch trên hết nên phải chấp nhận”, anh Thành nói.

Thông thường, những năm trước việc thuê nhân viên làm trong Tết và sau Tết khá khó khăn, nhưng thời gian này nhiều người ở lại TP.HCM nên việc tuyển dụng cũng dễ hơn.

“Mình định về quê, nhưng sợ về rồi không may có dịch không vô lại được, hoặc vô Sài Gòn lại bị cách ly nữa, nên quyết định ở lại làm Tết kiếm thêm”, Nguyễn Thùy Dung (21 tuổi, quê ở Huế) chia sẻ. Đợt dịch diễn ra hồi đầu năm trước, gần 2 tháng Dung phải ở nhà, đi làm trở lại thu nhập cũng bị giảm nên thời gian này Dung đặt nhiều kỳ vọng kiếm thêm tiền.

Do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều người đang loay hoay tìm việc. Một số quán cà phê, cửa hàng ăn uống cũng khá hồi hộp mở cửa buôn bán.

Anh Hoàng Văn Tiễn (giám đốc điều hành chuỗi cà phê Coffee Bike) chia sẻ, dịp Tết các quán phục vụ khách ngồi tại chỗ ở TP.HCM của chuỗi đều đóng cửa, chỉ ưu tiên hoạt động các xe di động bán cà phê pha máy mang đi tại các tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước…

Sau tết, anh Tiễn dự đoán khả năng các quán ngồi tại chỗ có khả năng hồi phục không mạnh. Cơ hội kinh doanh vẫn nghiêng về các xe bán cà phê mang đi.

Theo tìm hiểu, hiện nhiều quán cà phê, quán ăn ở TP.HCM đang phải trả phí từ 25-40 triệu đồng trở lên cho mỗi tháng tiền mặt bằng ở vị trí đẹp. Để tiết kiệm chi phí vận hành, hiện nhiều chủ quán đang tìm kiếm các mặt bằng ở hẻm với chi phí rẻ hơn, hoặc chia đôi mặt bằng cho thêm quán khác bán cùng với yêu cầu phải khác ngành hàng…

BÔNG MAI
TTO