Trung Quốc mưu đồ gì khi cho tàu khảo sát bám Biển Đông?
Dữ liệu cho thấy nhiều tàu khảo sát Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và vào vùng đặc quyền kinh tế của một số nước Đông Nam Á gần như mỗi ngày.
Vào ngày 14.1,Trưởng Cơ quan an ninh hàng hải Malaysia (Bakamla) Wisnu Pramandita cho hay tàu tuần tra Indonesia KN Pulau Nipah 321 đã “ngăn chặn tàu khảo sát Trung Quốc Hướng Dương Hồng 03” vào tối trước đó khi tàu đi qua vùng biển Indonesia ở eo biển Sunda mà không mở AIS (hệ thống nhận diện tự động) giúp theo dõi cung cấp thông tin về vị trí của tàu.
Ông Wisnu còn khẳng định trước đó, AIS của tàu Hướng Dương Hồng 03 không hoạt động khi tàu đi qua vùng biển xung quanh quần đảo Natuna nằm phía nam Biển Đông, theo tờ The Jakarta Post.
Hoạt động đáng ngờ
Thông tin trên cho thấy hoạt động mới nhất của tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng biển của một số nước Đông Nam Á ven bờ Biển Đông. Hôm 31.1, tờ Nikkei Asia đăng bài cảnh báo rằng nhiều tàu khảo sát Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động ở Biển Đông và vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một số nước Đông Nam Á ven bờ Biển Đông gần như mỗi ngày.
Tờ báo Nhật đưa ra cảnh báo này sau khi phân tích dữ liệu AIS của 32 tàu khảo sát Trung Quốc từ cơ sở dữ liệu của chuyên trang theo dõi thông tin hàng hải Marine Traffic và các chuyến hải hành của số tàu này trong 12 tháng, tính đến cuối tháng 11.2020.
|
Theo Công ước LHQ về luật Biển, hoạt động khảo sát tại EEZ của nước khác phải được nước đó đồng ý trước. Tuy nhiên, kết quả phân tích trên cho thấy trong số 17 tàu Trung Quốc hoạt động trong EEZ của nước khác hoặc vùng biển chưa phân định, có hơn 10 tàu liên quan đến các hoạt động đáng ngờ.
Nikkei Asia không nêu rõ số lần các tàu của Trung Quốc hoạt động phi pháp trong EEZ của nước khác, nhưng cho biết nhiều tàu đã bị cảnh báo vì hành vi xâm phạm đó.
Báo Nikkei Asia dẫn dữ liệu từ chuyên trang theo dõi thông tin hàng hải Marine Traffic cho hay ngoài Biển Đông, nhiều tàu khảo sát của Trung Quốc còn hoạt động tại các vùng biển khác nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Ngoài ra, các tàu của Trung Quốc còn vươn đến vùng biển thuộc chuỗi đảo thứ hai, thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines.
Nikkei Asia còn trích dẫn cơ sở dữ liệu từ Tổ chức Hàng hải quốc tế cho hay 64 tàu khảo sát Trung Quốc có đăng ký được đóng trong hoặc sau năm 1990, vượt qua con số 44 của Mỹ và 23 của Nhật.
Hồi tháng 8.2020, Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Bacordo khẳng định với giới phóng viên rằng hai tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động gần bãi Cỏ Rong ở Biển Đông khoảng 1 tuần và đã kêu gọi chính quyền Manila gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của 2 tàu, theo tờ South China Morning Post. Ít nhất 15 tàu khảo sát Trung Quốc bị phát hiện lảng vảng ở những khu vực được gọi là vùng biển Philippines trong năm 2019, theo Philippine Daily Inquirer dẫn một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Philippines.
Ngoài ra, vào tháng 4.2020, tàu Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc vào EEZ của Malaysia ở Biển Đông và hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành, theo Nikkei Asia. Hồi năm 2019, tàu Hải Dương địa chất 8 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.
“Phục vụ mục đích quân sự”
Ngoài Biển Đông, tàu khảo sát Trung Quốc cũng hoạt động ở biển Hoa Đông, nơi nước này và Nhật Bản có tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo Nikkei Asia. Hồi tháng 7.2020, Tokyo đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh, với lập luận tàu khảo sát Trung Quốc Đại Dương Hào đang tháo dỡ thiết bị quan sát trong EEZ của Nhật ở phía bắc đảo Okinotorishima.
“Tàu khảo sát Trung Quốc diễn giải luật quốc tế theo hướng có lợi cho họ …Nếu họ tiếp tục hoạt động khảo sát, Nhật Bản nên xem xét thực hiện biện pháp ứng phó mạnh”, giáo sư Shigeki Sakamoto thuộc Đại học Doshisha (Nhật) kêu gọi.
|
Chuyên gia Fengjun Duan thuộc Viện Canon về nghiên cứu toàn cầu (CIGS – Nhật), thì nhận định một số tàu Trung Quốc nghiên cứu về sinh vật biển và khảo sát cho mục đích nghiên cứu, nhưng một số tàu dường như còn khảo sát cho mục đích an ninh. “Dữ liệu thu thập được từ hoạt động khảo sát đó có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự”, ông Duan nhận định, theo Nikkei Asia.
Ngoài ra, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Luật pháp và Các Vấn đề biển (Đại học Philippines) hồi tháng 10.2020 đã cảnh báo rằng đối với Trung Quốc, tàu khảo sát là “phương tiện để mở rộng sức mạnh”, theo Philippine Daily Inquirer.
Ông Batongbacal còn lưu ý Bắc Kinh đã công khai thừa nhận việc phát triển công nghệ biển và việc thực hiện nghiên cứu khoa học biển (MSR) là “phương tiện bảo vệ chủ quyền cũng như tạo ra bầu không khí quyền lực biển”.
VĂN KHOA
TNO