23/12/2024

Chúa Nhật VI TN B – Mùng Ba Tết Tân Sửu: Ý nghĩa của lao động

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc ông chủ, trước khi đi xa, đã giao cho từng người những yến bạc để họ sinh lợi. Kẻ ít người nhiều, ai cũng được giao, tuỳ theo khả năng riêng của họ. Mỗi người cần cố gắng tối đa với những yến bạc đã lãnh nhận để làm lợi sao cho tương xứng.

 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B

MỒNG BA TẾT: THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM

(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30).

Ý NGHĨA CỦA LAO ĐỘNG

Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25,15).

Hoà với niềm vui Đầu Xuân với dân tộc, Hội thánh Việt Nam dành ngày Mồng Ba Tết để xin Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm cho mọi người, nhằm giúp mỗi Kitô hữu hiểu rõ ý nghĩa của lao động trí óc cũng như chân tay: chúng ta làm việc không chỉ để tìm kiếm của cải vật chất mà còn để được thông phần vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: St 2,4b-9.15

Bài đọc I trích sách Sáng Thế đề cao vai trò của con người và ý nghĩa của lao động trong việc tham dự vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế thuật lại rằng “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. Thiên Chúa “thổi sinh khí vào” con người, và điều đó làm cho con người khác với các thụ tạo còn lại. Như thế, chỉ có con người được tạo dựng như một hữu thể sống đúng nghĩa, và sự sống đó đến từ Thiên Chúa.

Sau đó, trình thuật cho biết rằng Đức Chúa trồng một vườn cây rộng lớn và màu mỡ ở Êđen. Con người được đặt vào vườn Êđen để “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,8-9.15). Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng: con người được Thiên Chúa dựng nên là “con người lao động”. Qua đó, con người được chia sẻ quyền tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người xây dựng thế giới, và làm cho thế giới càng ngày càng trở nên phong phú, triển nở và tươi đẹp theo ý của Thiên Chúa. Vì được chia sẻ quyền này, con người không chỉ thống trị muôn loài thụ tạo khác, mà còn phải “canh giữ” chúng, nghĩa là phải bảo tồn và gìn giữ tạo thành. Như thế, con người được ban quyền làm việc để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

2. Bài đọc II: Cv 20,32-35

Trong bài đọc II, thánh Phaolô ngỏ lời với các kỳ mục ở Êphêsô về ý nghĩa của lao động:

1) Trước hết, lao động để nuôi thân. Thánh nhân nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34). Về điểm này, trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân giải thích rõ: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em” (2Tx 3,8); và ngài khuyến cáo “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).

2) Kế đến, lao động để có của cải mà giúp đỡ người khác. Thánh nhân nói: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 34-35).

3. Bài Tin Mừng: Mt 25,14-30

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc ông chủ, trước khi đi xa, đã giao cho từng người những yến bạc để họ sinh lợi. Kẻ ít người nhiều, ai cũng được giao, tuỳ theo khả năng riêng của họ. Mỗi người cần cố gắng tối đa với những yến bạc đã lãnh nhận để làm lợi sao cho tương xứng. Hai người đầu tiên đã dùng những yến bạc được giao để làm ăn và sinh lợi gấp đôi. Người lãnh năm yến đã dùng số tiền đó để làm ăn buôn bán, và sinh lời được năm yến khác. Người đã lãnh hai yến cũng làm ăn và sinh lợi được hai yến khác. Họ đã đem hết khả năng của mình để làm lợi các yến bạc được chủ giao; vì thế, họ được ông chủ khen là “đầy tớ tài giỏi và trung thành”. Riêng người thứ ba, thay vì cố gắng làm ăn, lại đi đào lỗ chôn giấu số bạc được chủ giao cho mình, không hề sinh lợi; vì thế, anh ta bị chủ chê là “đầy tớ tồi tệ, biếng nhác và vô dụng”. Ít ra, anh phải làm theo cách tối thiểu nhất để sinh lợi yến bạc được giao, như ông chủ gợi ý, đó là: “gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ”.

Như vậy ông chủ không bắt ai làm quá sức lực của mình. Người đầy tớ bị phạt là người đã giấu đi yến bạc chủ giao, không hề làm sinh lợi. Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một vai trò, một công việc, tuỳ theo khả năng hoàn cảnh của từng người. Người không đòi hỏi gì hơn là mong chúng ta nỗ lực phát huy khả năng đó để sinh lợi, để kiếm của nuôi thân, để kiến tạo gia đình, để giúp đỡ người khác, và để góp phần xây dựng thế giới. Bao lâu con người lười lao động, như người đầy tớ lãnh một yến bạc kia, thay vì làm việc để sinh lợi, lại lười biếng, chỉ muốn nhàn cư thoả mãn chính mình, thì chính lúc đó, con người đánh mất vai trò của mình, đánh mất ý nghĩa của việc lao động mà Thiên Chúa muốn con người được thông phần và cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người.

Tuy nhiên, lao động chỉ có ý nghĩa thực sự khi quy hướng về ý định của Thiên Chúa. Ngược lại, chỉ lo làm ăn mà quên mất mục đích tối hậu của lao động thì lại nguy hiểm. Vì thế, Đức Giêsu đã khuyến cáo chúng ta đừng quá ham công tiếc việc: “Anh em phải coi chừng, phải tránh mọi thứ tham lam, vì không phải dư của cải mà mạng sống con người được bảo đảm đâu” (Lc 12,15). Vì thế, mối bận tâm về công ăn việc làm và về của cải đời này không được lấn át việc tìm kiếm Nước Chúa và kho tàng đời sau: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

II. GỢI Ý MỤC VỤ:

1. “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”.

Như thế con người có vai trò làm triển nở và chăm sóc công trình tạo dựng của Chúa. Ý thức được điều này, trong Lời nguyện Nhập lễ ngày Mồng Ba Tết, Hội Thánh đã khẩn xin: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa”. Chúng ta có ý thức làm việc để góp phần phát triển và bảo vệ thiên nhiên theo tinh thần thông điệp Laudato Si’?

2. “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế”.

Hiểu được ý nghĩa này của lao động, Hội Thánh đã bày tỏ trong Kinh Tiền Tụng: “Người (Đức Giêsu) đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế”. Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ người khác, đó không chỉ là cách đem lại phúc lộc cho bản thân, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”, mà còn là lối dẫn người ta đến với Chúa?

3. “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người”.

Yến bạc Chúa trao là tất cả những gì Chúa ban cho mỗi người trong cuộc sống. Đó có thể là: bối cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, điều kiện vật chất. Đó có thể là giới tính, ngoại hình, sức khoẻ. Đó cũng có thể là thời giờ, khả năng, chức vụ,…Ai đã nhận được gì thì cần làm lợi gấp đôi. Chúng ta có nhận ra những yến bạc Chúa trao cho mình, rồi tích cực phát huy mà làm việc sao cho sinh lợi, để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Chúa, để có của nuôi thân và để giúp đỡ tha nhân, nhất là những kẻ túng thiếu?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành, Người luôn quan phòng và sẵn lòng tuôn đổ muôn phúc lành cho con người. Trong dịp đầu năm, chúng ta cùng thành tâm xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm của chúng ta trong năm Tân Sửu này.

1. Con người được mời gọi làm triển nở các phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết sử dụng cách hiệu quả mọi tài năng Chúa ban, để loan báo Tin mừng và góp phần xây dựng Nước Trời nơi trần thế.

2. Chúa đã trao cho con người làm chủ vũ trụ và thiên nhiên. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm tạo công ăn việc làm, mưu cầu hạnh phúc cho người dân; đồng thời, có những chính sách ưu tiên cho việc bảo vệ môi sinh, môi trường.

3. Lao động là cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu khi ra sức làm việc nhằm tạo ra của cải, góp phần xây dựng xã hội và bảo vệ trái đất, luôn biết chú tâm tìm kiếm ý Chúa và làm vinh danh Người.

4. Người Kitô hữu được mời gọi thực thi ý Chúa: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành sống giới răn mến Chúa yêu người, biết sẵn lòng chia cơm sẻ áo cho những người túng thiếu bất hạnh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và thánh hoá mọi công việc làm ăn của chúng con, giúp chúng con nhận được thành quả tốt đẹp ở đời này, và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.