24/11/2024

Nguy cơ dịch bệnh kế tiếp, lần này có thể từ tinh tinh sang người

Nguy cơ dịch bệnh kế tiếp, lần này có thể từ tinh tinh sang người

Các nhà nghiên cứu đang bày tỏ sự lo ngại về một chủng vi khuẩn vừa xuất hiện gần đây và đang gieo rắc chết chóc cho tinh tinh ở Sierra Leone, mà trong tình huống xấu nhất, nó có thể lây sang người.

 

 

 

Tinh tinh ở khu bảo tồn Tacugama /// Đại học Wisconsin-Madison
Tinh tinh ở khu bảo tồn Tacugama  ĐẠI HỌC WISCONSIN-MADISON
Đội ngũ chuyên gia do các nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) dẫn đầu vừa công bố báo cáo mới trên chuyên san Nature Communications, theo đó dự báo nguy cơ về dịch bệnh kế tiếp có nguồn gốc từ động vật.

Căn bệnh bí ẩn

Vào năm 2016, nhà dịch bệnh sinh thái học Tony Goldberg vô cùng ngạc nhiên khi được thông báo về một căn bệnh bí ẩn, gieo rắc cái chết nhanh chóng và hàng loạt cho cá thể thuộc cộng đồng tinh tinh ở một khu bảo tồn trong rừng mưa Sierra Leone.
“Tử thần ập đến một cách không báo trước. Các con tinh tinh bắt đầu đi đứng không vững và dễ vấp ngã, kế đến chúng ói mửa, tiêu chảy”, theo Tạp chí Science dẫn lời tiến sĩ Goldberg, hiện công tác tại Đại học Wisconsin-Madison. “Đôi khi chỉ cần một đêm, chúng chuyển từ trạng thái khỏe mạnh vào buổi tối trước khi đi ngủ, sang tử vong khi trời sáng”, ông nhớ lại.
Căn bệnh gây ra những triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa và thần kinh. Thậm chí khi các bác sĩ thú y cho những con tinh tinh bị bệnh uống thuốc kháng sinh và truyền dịch, dùng chăn mền ủ ấm và dùng cả biện pháp cách ly để ngăn chặn căn bệnh lây lan, chúng vẫn chết.
Ít nhất 56 con đã chết tại Khu bảo tồn Tinh tinh Tacugama từ năm 2005 đến 2018. Nơi đây đang chăm sóc gần 100 con tinh tinh được giải cứu từ các vụ săn bắn, mua bán động vật hoang dã trái phép, hoặc bị chủ bỏ rơi.
“Các nhân viên ở khu bảo tồn vô cùng bối rối vì cảnh chết chóc không có dấu hiệu sẽ dừng lại”, nhà sinh học Gregg Tully, giám đốc điều hành tổ chức Liên minh các khu bảo tồn ở châu Phi. Theo thống kê, xác suất tử vong của căn bệnh này là 100%.

Tìm ra chân tướng

Sau vài năm nghiên cứu, nhóm của tiến sĩ Goldberg đã đạt được đột phá sau khi một sinh viên trong nhóm phát hiện một dòng vi khuẩn lạ trong mô não của một con tinh tinh đã chết. “Vào khuya hôm đó, tôi đang nhìn qua kính hiển vi thì bất ngờ phát hiện một cấu trúc hình khối kỳ lạ”, cô nhớ lại.
Cụ thể, Owens đã phân lập được một loại vi khuẩn được tìm thấy trong 68% số mẫu vật lấy từ các con tinh tinh mắc bệnh.
Đây là phát hiện vô cùng quý giá, sau thời gian họ lùng sục manh mối ở mọi thứ, từ mô tế bào, mẫu máu, chất thải… nhưng không tìm thấy bất kỳ manh mối nào khả dĩ. Cô Owens nhận ra loài vi khuẩn lạ dưới kính hiển vi khá giống Sarcina, và phát hiện này đã được các nhà dịch tễ học xác nhận sau đó. Vào thời điểm đó, giới khoa học chỉ biết được hai loài khác thuộc chi Sarcina.
Vi khuẩn mà Owens tìm thấy hiện được gọi là Sarcina troglodytae, theo tên khoa học của loài tinh tinh mà nó lây nhiễm là Pan troglodytes. Và căn bệnh do vi khuẩn này gây ra giờ được gọi là Hội chứng thần kinh và dạ dày gây bệnh ở động vật (ENGS).
Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về chủng vi khuẩn này. Chẳng hạn, trong khi các nhà khoa học biết rằng vi khuẩn này có thể sống trong đất, nhưng họ vẫn chưa thể giải mã bí ẩn bằng cách nào các con tinh tinh ở khu bảo tồn Sierra Leone lại nhiễm phải căn bệnh này. Tại sao số ca bệnh lại gia tăng vào tháng 3 hằng năm, và liệu có tác nhân nào khác góp phần gây ra dịch bệnh nguy hiểm đó.
Trong khi ENGS vẫn chưa lây nhiễm cho bất kỳ cá thể người nào, con người và tinh tinh chia sẻ khoảng 99% bộ gen, bao gồm vi khuẩn đường ruột.
Vì thế, câu hỏi được đặt ra là liệu ENGS sẽ là dịch bệnh kế tiếp mà động vật có thể truyền sang người hay không?
HẠO NHIÊN
TNO