Cảnh báo tình trạng bệnh nhân Covid-19 và những người tiếp xúc thiếu hợp tác
Cảnh báo tình trạng bệnh nhân Covid-19 và những người tiếp xúc thiếu hợp tác
Bệnh nhân Covid-19 tại Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) có 10 ngày ở ngoài cộng đồng mới được phát hiện dương tính, gây ra rủi ro lây lan dịch bệnh rất lớn, bởi cả người truyền bệnh và bệnh nhân đều không khai báo tiếp xúc.
Đây là một dấu hiệu cần phải cảnh báo, vì có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho cộng đồng.
Việc Hà Nội xuất hiện ca bệnh này sau khi cơ quan chức năng cho biết tất cả các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch Quảng Ninh, Hải Dương về đã được xét nghiệm âm tính; tất cả các F1 của các bệnh nhân được phát hiện trước đó cũng đã cho kết quả âm tính, mang đến mối lo lắng cho nhiều người. Ca bệnh này cho thấy việc truy vết có sót lọt, và nguyên nhân hiện được cho là vì bệnh nhân và người tiếp xúc thiếu hợp tác.
Trao đổi với phóng viên sáng 8.2, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết dù nữ bệnh nhân N.T.K.A có tiếp xúc với bệnh nhân 1722 (em vợ của bệnh nhân 1694, trú P.Xuân Phương, Q.Nam Từ Liêm, là bộ đội công tác tại Nhà máy Z153 ở TT.Đông Anh) vào ngày 26.1 tại cổng tòa nhà chung cư, nhưng cả bệnh nhân 1722 và bệnh nhân N.T.K.A đều không khai báo dịch tễ.
“Người phụ nữ này biết trường hợp F0 và có tiếp xúc từ ngày 26.1 tại cổng toà nhà (nói chuyện 5 phút, có đeo khẩu trang – theo khai báo mới nhất) nhưng không ra trạm y tế hay tiến hành khai báo dịch tễ, đến khi sốt thì mới thông tin đến cơ quan y tế. Ngay cả ca F0 (bệnh nhân 1722) tiếp xúc với trường hợp dương tính này cũng không thông tin việc có gặp nhau vào ngày 26.1″, ông Tuấn thông tin.
Điều này dẫn đến sót lọt trong việc tiến hành các biện pháp cần thiết và bệnh nhân đã ở ngoài cộng đồng thời gian rất dài, 10 ngày, trước khi được phát hiện dương tính, nguy cơ dẫn tới lây lan dịch bệnh rất lớn.
Vì vậy, theo ông Tuấn, đối với trường hợp dương tính này, ngoài xác định các trường hợp F1, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành điều tra các trường hợp F2, F3 và phải cách ly luôn để đảm bảo phòng, chống dịch; tức là cơ quan chức năng và những người liên quan sẽ phải tốn công sức hơn rất nhiều, chưa kể đến chi phí.
Đêm qua, 7.2, hai toà nhà của chung cư Garden Hill, nơi bệnh nhân N.T.K.A sinh sống, đã bị phong toả.
Nhận định thêm về lý do người phụ nữ này không khai báo việc tiếp xúc với trường hợp F0, ông Tuấn cho hay, việc xác định cụ thể sẽ do cơ quan điều tra làm, nhưng nhận định sơ bộ có rất nhiều lý do nhưng trong đó, có việc sợ khai báo phải cách ly và như vậy sẽ mất ăn Tết.
Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với bệnh nhân 1883 (công chứng viên) và bệnh nhân 1956 (nhân viên ngân hàng). Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, do 2 người này không thông tin cụ thể thời gian tiếp xúc, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải phong toả tạm thời chung cư 88 Láng Hạ (Q.Đống Đa), và phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 934 cư dân.
Nếu có thông tin cụ thể hơn về tiếp xúc, sẽ đỡ tốn công sức và tiền bạc hơn nhiều, đồng thời giảm thiểu được nguy cơ.
Trước đó, hôm 31.1, Tổ thông tin đáp ứng nhanh – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, cũng đã phát đi thông báo về việc có tới 20% các F0 khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác; cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do: “Tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu”.
Ở chiều ngược lại, sự soi mói đời tư quá đáng, suy diễn theo hướng tiêu cực của dư luận cũng đã mang lại rất nhiều phiền hà cho người bệnh và những người liên quan, khiến cho họ không muốn hợp tác.
VŨ HÂN
TNO