Đợi vắc xin hay áp dụng ‘5K’?
Đợi vắc xin hay áp dụng ‘5K’?
Tái phong toả hay không tái phong tỏa là câu hỏi mà cả ông Tổng thống Macron lẫn ông Thủ tướng Castex đặt ra từ hơn tuần qua.
67 triệu người dân Pháp đang đau đáu ngóng tin, khi ngày 4-2 Pháp ghi nhận 26.362 ca mới và 357 ca tử vong trong 24 giờ trước đó.
Không cứng rắn chống dịch hơn thì chết thêm, mà phong tỏa nữa sẽ kiệt quệ cả kinh tế, thể xác lẫn tinh thần. Dịp Noel và “tết Tây” vừa rồi, người Pháp đã phải chấp nhận một “bình thường mới” khi cả nước phải chấp hành không tranh cãi lệnh chỉ cho tụ tập ăn Noel không hơn 6 người, còn đêm giao thừa thì cấm tuyệt.
Từng sai lầm chết người
Pháp ngay từ giữa tháng 3 năm ngoái đã ra lệnh phong tỏa sau khi thấy láng giềng Ý nháo nhào vì COVID-19 và phát hiện lây nhiễm khá cao trong cộng đồng: ngày 1-2-2020 có 6 ca nhiễm, nhưng tới cuối tháng đã là 100 ca nhiễm và 2 ca tử vong, ổ dịch lớn nhất ở tỉnh Oise.
Nhà chức trách Pháp bây giờ nhận ra rằng cách ly những người về từ các “vùng dịch” như Ý và Trung Quốc không còn là đủ nữa, mà phải chặn sự lây lan “nội xứ”, cần có những biện pháp mới cả ở cấp địa phương và quốc gia.
Tại Oise mọi tụ tập đều bị cấm, còn trên toàn quốc ngay từ 9-3-2020 đã cấm mọi sự kiện đông trên 1.000 người, bớt di chuyển… Y tế Pháp cũng đã thần tốc khoanh vùng, cách ly người bị nhiễm hay tình nghi bị nhiễm.
Khoanh vùng, cách ly thì phải xét nghiệm. Từ 1-3 tới 27-12-2020, ước tính đã thực hiện 33,7 triệu xét nghiệm RT-PCR và 2,8 triệu xét nghiệm kháng nguyên, theo Bộ Y tế Pháp.
Giữa lúc dân chúng đã bắt đầu chấp hành tự hạn chế tụ tập, di chuyển, cuộc bầu cử các hội đồng địa phương hôm chủ nhật 15-3-2020 đã lờ đi những cảnh báo về tốc độ lây nhiễm.
Ngày 15-3 chỉ 5.423 ca. Sau khi “lùa dân đi bỏ phiếu”, hậu quả là tới 31-3 (tức vừa hết thời gian ủ bệnh), số ca nhiễm lên đến 52.128 trường hợp và tử vong lên đến 3.523 người.
Ai chịu trách nhiệm sự tăng vọt các ca nhiễm từ 5.423 ca hôm bầu cử lên đến 52.128 ca và từ chỉ 127 ca tử vong hôm 15-3 bầu cử lên 3.523 ca đúng nửa tháng sau, nếu không phải người đã quyết liệt tổ chức bầu cử hôm chủ nhật 15-3?
Từ đó nước Pháp chìm trong dịch và tang tóc, ban hành hết đợt phong tỏa này tới đợt phong tỏa khác, rồi là xả phong tỏa.
Vắcxin: phao cứu nhà nước hay cứu dân?
Giữa những bùng phát sau mỗi đợt xóa phong tỏa, những tin tức về vắcxin được xem như cái phao cho người dân khi “chìm” trong dịch.
Nào là Hãng Sanofi nổi tiếng toàn cầu “Make in France” cũng đang bào chế vắcxin cùng với các hãng lớn khác. Song tới trưa 3-2-2021 mới chỉ có hơn 1,6 triệu người được tiêm vắcxin trong những dấu hỏi “tại sao nước Pháp chậm lụt chích ngừa vậy?!”.
Trong đó, France 24 ngày 27-1-2021 chạy dòng tít: “Vắcxin COVID-19: Viện Pasteur và Sanofi, biểu tượng của sự thụt lùi trong nghiên cứu”. Cũng có những cáo giác rằng Pháp đã “bảo kê” thị trường vắcxin cho Hãng Sanofi, song một quốc vụ khanh đã bác bỏ.
Nước Pháp dẫu sao cũng là một nước có tiền: GDP/đầu người năm 2019 là 44.317 USD và có chân trong nhóm các “đại gia” ngành dược.
Chẳng thế mà tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận xét cay đắng: “Các nước giàu có đang triển khai vắcxin COVID-19 cho các công dân của họ, trong khi các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới thì ngó theo và ngóng…”.
Chủ tịch EU Ursula Von Der Leyen hôm 1-2 vừa qua mừng hết lớn rao trên Twitter rằng: “AstraZeneca sẽ cung cấp thêm 9 triệu liều bổ sung trong quý 1 (nâng tổng số lên tổng cộng 40 triệu liều)… và cung cấp sớm hơn dự trù một tuần”.
EU có dân số 447 triệu người được AstraZeneca cung cấp 40 triệu liều trong quý 1, tức chỉ cho 1/11 dân số. Cứ nhởn nhơ hội hè chờ đợi vắcxin hay giữ chặt “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế)? Chưa rõ dân Pháp chọn thứ nào?!