Tiểu thương khốn khổ vì dịch bùng phát cận tết
Tiểu thương khốn khổ vì dịch bùng phát cận tết
Sau một năm đại dịch khó khăn, đa số tiểu thương chỉ trông chờ vào những ngày cận tết. Thế nhưng, đến 23 tháng chạp, các chợ vẫn đìu hiu, vắng vẻ hơn cả ngày thường.
Bán sỉ, bán lẻ đều phập phồng
“Chợ những ngày cận tết mà vắng hoe như sáng mùng một tết vậy trời…”, bà Thảo, tiểu thương bán đồ khô trong chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), than thở với một khách đang mua hàng tại sạp. Khách nói mua về để bán lẻ tại chợ nhỏ ở gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM), nhưng lượng hàng mua cũng cực kỳ khiêm tốn: 3 kg miến dong, 1 kg nấm mèo, 5 bịch bột nêm, 5 bịch bột ngọt, 1 kg nấm đông cô, nửa ký hành củ… “Cô xem chợ 3 ngày tết mà bán sỉ với lượng hàng như bán lẻ thế này vẫn phải bán. Tổng đơn hàng chỉ khoảng 500.000 đồng. Cứ tưởng dịch ngoài bắc, không vào trong nam, ai ngờ dịch bùng phát khiến chợ ế ẩm thấy thương. Hàng khô là nhu cầu lớn vào dịp tết, nhưng năm nay, lượng hàng tồn rất lớn mặc dù trước đó tui mua trữ khá dè dặt”, bà Thảo chép miệng. Nghe người bán “chê” mua ít, khách mua hàng giới thiệu tên Thắm, phân bua: “Từ Bình Chánh qua đây cũng gần, thiếu thì sang lấy. Vốn ít mà “ôm” mấy hàng khô này về bán không được sẽ bị “chết” vốn…”.
Tại các chợ dân sinh khu vực TP.HCM, nhu cầu mua sắm tết chưa cao do người dân ngại đi chợ, đến chốn đông người. Sáng 4.2, một số tiểu thương khu vực chuyên bán dưa món, củ kiệu, dưa cải… các loại để ăn tết ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho biết lượng khách hàng đặt mua các loại dưa mắm ăn kèm bánh chưng, thịt đông giảm mạnh so với năm trước. “Năm trước, đến giờ này đã bán ra hơn trăm hũ dưa các loại. Năm nay bán được… 33 hũ tính đến ngày hôm nay (4.2) bao gồm cả số đặt cận tết mới giao hàng”, một tiểu thương tại chợ thông tin.
Tương tự, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.Thủ Đức), bà Hiếu, chủ vựa rau củ quả, thở dài: “Chợ bán chậm thê thảm lắm. Mọi năm, hàng từ Đà Lạt xuống, từ ngoài bắc vào ùn ùn đổ chợ. Nhân công không có chuyện ngủ đâu, thức canh giữ và làm hàng vì các loại cà rốt, khoai tây, hành tây, hành tím, bắp sú… không đủ kho để bỏ, chất đống tràn ra ngoài chờ hôm sau chất lên xe chở về miền Tây, ra miền Trung luôn”. Như để chứng minh, bà Hiếu chỉ tay nói, tại thời điểm này năm ngoái, mấy vựa lớn mỗi ngày có 4 chuyến xe chở rau củ về các tỉnh miền Tây bỏ mối, dịp cúng ông Táo phải lên 5 xe. Nay chưa tới 3 chuyến, chuyến thứ 3 phải chở thuê hàng lẻ cho mấy sạp khác mới kín xe được.
Dịch cứ “đeo bám”, khổ quá!
Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở sản xuất nem chả sạch Quang Hậu, cho hay khách mua chả rất chậm. Đây là một trong những loại thực phẩm yêu thích trên bàn ăn ngày tết, nhưng lượng hàng sản xuất bán tết của cơ sở dự kiến giảm 35% so với tết năm ngoái do các nhà hàng quán ăn đóng cửa nhiều.
Ông Hậu nói: “Mọi năm xưởng chạy hết công suất đến 28 tết, năm nay 25 tháng chạp đã nghỉ. Giờ này nhẽ ra khách mua sỉ, mua lẻ ngày gọi được cả chục cuộc, nay cả ngày chỉ 2 cuộc, lượng hàng mua sỉ cũng giảm mạnh. Chẳng hạn, trước tiệm bún bò lấy 30 kg, nay báo lấy 20 kg thôi, cũng một mức tiền cước cơ sở phải chịu. Trong khi đó, giá nạc heo dẻo để làm chả lại tăng mạnh quá. Thịt tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg, báo trước với khách sẽ tăng giá chả cận tết lên 5.000 đồng/kg vì không tăng không có lãi, nhưng ngó bộ khách không ưa. Tết đến nơi rồi mà mua bán kiểu này oải quá. Thực tế, nếu không có đợt tái bùng phát dịch, tết cũng là lúc người sản xuất trông mong bán được hàng nhiều hơn. Năm nay coi như bị “ngộp” luôn từ năm cũ sang năm mới. Dịch “đeo bám” lâu quá, đến tết vẫn không tha. Quá khổ!”. Còn các thương lái và chủ quầy heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn vẫn hy vọng chợ sẽ “nóng” hơn sau 25 tháng chạp.
Không chỉ với hàng thực phẩm tiêu dùng, mặt hàng áo quần thời trang được các tiểu thương “đong” chờ bán tết đến giờ này cũng tồn kho số lượng lớn. 14 giờ ngày 4.2, tại Taka Plaza (Q.1), hỏi mua chiếc váy xếp ly, người bán đòi 300.000 đồng. Nếu so với sản phẩm cùng loại trong shop vào ngày thường, mức giá đó đã khá rẻ.
Thế nhưng, khi thấy khách tỏ ý chần chừ, người bán nói ngay với giọng đượm buồn: “Nếu thích lấy đi, chị bán giá 250.000 đồng mở hàng, coi như không có lãi. Chợ tết nhưng từ sáng đến giờ chưa mở hàng”. Bà Đặng Hồng, chủ sạp bán đồ lạnh tại chợ Tân Bình, cho hay trước tết Tây, bà “ôm” lô 790 áo đầm len, áo len ngắn, hàng thời trang đẹp từ ngoài bắc chở vào.
Mục đích bán cho những quý cô quý bà ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc mặc diện tết. Bà nói: “Hàng này rất đẹp, không phải dạng hàng chợ mà thực tế là hàng xịn, hàng xuất tồn kho mùa dịch. Nếu vào các shop giá không thể dưới 600.000 đồng/cái, nhưng do lấy được giá rẻ, tui bán sỉ 90.000 – 110.000 đồng, bán lẻ có người trả 200.000 đồng/cái. Lúc chưa bùng phát dịch mấy mối ở miền Trung lấy ào ào, nghe dịch bùng phát ở Quảng Ninh và Hải Dương một phát, ngưng không lấy hàng nữa. Thậm chí nay nợ tiền hàng báo chưa trả kịp trước tết. Bà Hồng cũng cho biết lô hàng len đang tồn đúng hơn 300 cái, coi nhưng “cứng ngắc”.
LAM NGHI
TNO