‘Siêu công trình thuỷ lợi’ ở miền Tây vận hành tạm
‘Siêu công trình thuỷ lợi’ ở miền Tây vận hành tạm
“Siêu công trình thuỷ lợi” với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vừa vận hành tạm ngày 5-2, sẵn sàng phục vụ việc ngăn mặn ở miền Tây trong mùa khô năm 2021.
Ngày 5-2, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã đưa vào vận hành tạm cống Cái Bé và âu thuyền trên sông Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) để phục vụ việc ngăn mặn, giữ ngọt cho tỉnh Kiên Giang và một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đây được xem là “siêu dự án thủy lợi” ở miền Tây bởi quy mô đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.300 tỉ đồng và giai đoạn 2 khoảng 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án được khởi công tháng 11-2019 nhằm giải quyết bài toán mặn xâm nhập vào mùa khô ở các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng…
Việc vận hành tạm này theo đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang và được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chấp thuận nhằm “thực hiện công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2020-2021 phục vụ sản xuất, dân sinh”.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay mực nước tại các trạm đầu nguồn sông cửu Long và nội đồng trong tỉnh này xuống nhanh, ở mức tương đương so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 28km đến xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. Còn trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu 22km (tới xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang).
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (giai đoạn 1) được đưa vào vận hành tạm thời cống Cái Bé sau 15 tháng thi công, sớm hơn một mùa hạn mặn theo tiến độ dự án.
Với việc đưa vào vận hành tạm cống Cái Bé sẽ giúp kiểm soát ngọt lợ cho khoảng 20.000ha đất sản xuất của tỉnh Kiên Giang.
Cũng theo vị lãnh đạo này, với sự quyết tâm lớn của đơn vị thi công, nhà thầu và chủ đầu tư hiện nay, tiến độ dự án đang được đẩy nhanh để đưa vào vận hành nhanh hơn so với tiến độ hợp đồng và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2021.