Hãy để trẻ được vui chơi thoải mái khi nghỉ tết
Hãy để trẻ được vui chơi thoải mái khi nghỉ tết
Tết là dịp để trẻ nghỉ ngơi chứ không phải để tiếp tục những ngày học tập ở nhà.
Nhiều sở GD-ĐT yêu cầu không gây áp lực cho học sinh
Mới đây, Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu ra văn bản về việc “Nghỉ tết không áp lực bài tập”, yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, giáo viên (GV) không giao bài tập cho học sinh (HS) trong thời gian nghỉ tết. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, lý giải kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để HS có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày tết.
“Vì thế chúng tôi đã họp triển khai và quyết định ra văn bản chính thức để các trường và GV có căn cứ để thay đổi cách làm của mình, trên quan điểm cân nhắc hài hòa giữa học tập và vui chơi. Hãy để các con có tâm thế vui chơi thoải mái, trải nghiệm những ngày tết cổ truyền bên gia đình, học những bài học bên ngoài cuộc sống. Chúng ta vẫn có cách để các em không quên bài vở”, bà Ngọc Châu chia sẻ.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ĐH, giám đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo yêu cầu GV không giao bài tập cho HS, SV trong thời gian nghỉ tết, tạo điều kiện cho phụ huynh và HS, SV sum họp gia đình, đón tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn. “Trên cơ sở này, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường làm đúng tinh thần trên, nhằm để các em HS có được một kỳ nghỉ tết thoải mái, không áp lực bài vở, có thời gian trải nghiệm một cái tết truyền thống cùng người thân”, ông Đặng Ngọc Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cũng cho biết lâu nay Sở vẫn thống nhất tinh thần là kỳ nghỉ tết không nên giao bài tập về nhà cho HS. Ông Linh nêu quan điểm: “Đã gọi là nghỉ tết là phải thoải mái, không vướng bận bài vở thì các em mới tái tạo được năng lượng, tinh thần học tập. HS có nhiều thứ để trải nghiệm, học tập chứ đâu phải chỉ có các môn toán, văn, lý, hóa. Đây là khoảng thời gian mà các bậc phụ huynh nên giáo dục con em mình những giá trị truyền thống, tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, lễ nghĩa với ông bà cha mẹ, các phong tục hay của tết…”
Trong khi đó, ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, TP.HCM, nhìn nhận việc này đã được Sở GD-ĐT TP.HCM quán triệt từ lâu, không giao bài tập về nhà cho HS bán trú tất cả các ngày trong tuần, với HS học một buổi cũng rất hạn chế. “Trong kỳ nghỉ tết thì càng phải tạm xa bài vở để có tinh thần thoải mái bên gia đình, tái tạo niềm hứng thú học tập. Các giá trị truyền thống hiện nay cũng dần bị mai một nên tết chính là dịp để cha mẹ dạy con những bài học về lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp từ ngàn đời nay”, ông Tâm nhận định.
Nên duy trì nền nếp học tập như thế nào ?
Theo ông Trần Tâm, phụ huynh và GV không nên lo HS quên bài vở. GV hoàn toàn có thể chủ động tính toán thời gian ngay thời điểm trước tết, sắp xếp các bài giảng để ra tết khi HS trở lại trường có một buổi đầu ôn tập các kiến thức trước đó.
Ông Hồ Thanh Bình (công tác tại Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT) cho rằng học tập ở nhà trường chỉ là một phần, muốn trẻ phát triển nhân cách toàn diện thì cần phải được giáo dục trong môi trường gia đình và xã hội nữa. “Vì vậy, người lớn cần tạo điều kiện cho các em được giáo dục hài hòa. Vấn đề ở đây không phải là nhà trường có nên giao bài tập về nhà cho các em hay không, mà là giao bài tập như thế nào. Ví dụ, thầy cô có thể ra bài tập: “Em hãy kể lại ngày tết ở nhà em” cho môn văn, tiếng Việt, đó cũng là một cách gắn việc học với việc trải nghiệm vui chơi trong ngày tết. Ngoài ra, ba mẹ sẽ giáo dục các giá trị truyền thống của tết cho các con, như các nghi thức, ý nghĩa tết cổ truyền…”.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, GV chủ nhiệm lớp 5/10 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết trước tết sẽ không giao bài tập cho HS, để HS có thời gian nghỉ ngơi với gia đình. “Vài ngày trước khi HS đi học trở lại, GV sẽ gửi đường dẫn bài tập để phụ huynh nhắc các con ôn lại bài vở nhưng sẽ hạn chế chứ không bắt các con phải làm nhiều”, cô Oanh thông tin.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM, cho biết từ nhiều năm nay HS của trường không còn phải miệt mài làm bài tập trong thời gian nghỉ tết. Ông Phú nêu quan điểm, việc giao bài tập hay nói cách khác bắt các em phải học trong thời gian nghỉ này, thử hỏi có giúp cho trẻ trở thành “thần đồng” hay chỉ làm các em có một cái tết mệt mỏi, không an vui. Đừng làm tăng thêm áp lực nặng nề. Hãy giúp học trò có những ngày nghỉ đúng nghĩa, những ngày thanh xuân thật sự.
Còn thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, nói rằng không nên bó hẹp việc giao bài tập là những bài kiểm tra, ôn tập kiến thức thuần túy. Để duy trì nền nếp với học trò, có thể vẫn có “nhiệm vụ” phải hoàn thành trong thời gian nghỉ tết nhưng đó là những bài tập trải nghiệm. Chẳng hạn làm bài “Tết nhà em thế nào? Chụp hình và viết vài dòng cảm xúc hay thực hiện một công việc ý nghĩa cho gia đình nhân ngày tết, ví dụ rửa lá gói bánh chưng, phụ bố mẹ dọn nhà…”. Yêu cầu này vừa có thể giúp học trò không còn nhàm chán với việc xem ti vi, chơi điện thoại, chơi game dẫn đến có thể sẽ trở thành những người thờ ơ, ít có trách nhiệm với gia đình…
Định hướng về việc này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay ngay từ đầu năm học, trong các cuộc họp triển khai về chuyên môn của các bậc học, Sở GD-ĐT đã lưu ý các phòng giáo dục, các trường THPT, trung tâm GDTX không giao bài tập, không gây áp lực đối với HS trong thời gian nghỉ tết.
Thời gian nghỉ tết học sinh làm gì ?
Nhớ ngày còn đi học tiểu học (những năm 1970) bọn HS chúng tôi rất mong tết đến để được vui chơi thỏa thích, được bố mẹ dắt đi mua quần áo mới, xem phụ giúp mẹ, anh, chị gói bánh tét, đóng bánh in, rim mứt dừa, đổ bánh bông lan, làm dưa kiệu… thật vô cùng thích thú. Tuy đã qua lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm này mỗi khi tết đến xuân về. Sách vở, bút viết… đều được cất vào tủ gọn gàng, tôi chỉ nhớ mẹ bảo và chỉ làm một việc đó là đêm giao thừa nhớ lấy vở ra học lấy may để cầu mong vào năm mới sẽ học giỏi hơn!
Còn hiện tại vì sao thầy cô giao bài tập cho HS về nhà làm trong dịp tết? Do cuộc sống thay đổi, rất ít gia đình phải mất thời gian công sức để chuẩn bị tết, vì thế các em có rất nhiều thời gian nghỉ tết mà không phải làm gì. Vì vậy, một số trường, thầy cô lo HS chơi game, xem điện thoại… quên kiến thức nên giao bài tập cho các em về nhà làm trong thời gian nghỉ tết.
Tuy nhiên, việc giao bài tập về nhà tạo ra áp lực không đáng có cho học sinh sau một học kỳ học tập căng thẳng, vất vả.
Ngày tết, không nên giao bài tập cho HS mà để HS có thời gian giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón tết, thăm thầy cô giáo cũ, chúc tết ông bà… để các em biết được ý nghĩa của tết.
Nguyễn Văn Lực
MỸ QUYÊN – BÍCH THANH
TNO