23/01/2025

Nhiều doanh nghiệp “lội ngược dòng”, lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp “lội ngược dòng”, lãi lớn

Kết thúc một năm đầy biến động, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận những kết quả rất khả quan, thậm chí báo lãi “khủng”.
Nhiều doanh nghiệp đã lội ngược dòng thành công, có lợi nhuận nhờ cải tiến và có quyết sách táo bạo /// Ảnh: Nguyên Nga
Nhiều doanh nghiệp đã lội ngược dòng thành công, có lợi nhuận nhờ cải tiến và có quyết sách táo bạo ẢNH: NGUYÊN NGA

Những con số tài chính “lung linh”

Điển hình phải kể đến  Tập đoàn Vingroup. Kết thúc quý 3, trong khi các doanh nghiệp (DN) đang chật vật gượng dậy sau 2 cú đánh bồi từ đại dịch Covid-19, Vingroup bất ngờ “khoe” bản báo cáo tài chính ấn tượng với mức doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh, lần lượt là 14% và 42%. Doanh thu mảng sản xuất tăng tưởng nhanh, cao gấp 2,25 lần con số cùng kỳ; bán bất động sản trong quý tăng 70%; hoạt động tài chính cũng ghi nhận khoản lãi đột biến gần 3.888 tỉ đồng từ việc thanh lý các khoản đầu tư… Lũy kế hết năm 2020, Vingroup đạt doanh thu thuần 110.462 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỉ đồng.

Đa số những doanh nghiệp lội ngược dòng tốt trong thời điểm cuối năm và đầu năm nay đều có sự cải cách đáng kể

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp

Không chỉ vậy, DN này còn ghi dấu ấn đặc biệt trong công tác hỗ trợ Chính phủ phòng, chống dịch, tiên phong sản xuất máy thở, tài trợ nghiên cứu vắc xin và khởi xướng tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế, cũng là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới – VinFuture. Thuyền to thì sóng lớn, “sức khỏe” của Vingroup chắc chắn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều sau 1 năm giông bão nhưng có thể thấy DN này vẫn kiên cường giữ vững phong độ trên hầu hết mọi mặt trận.

Tương tự, quý 4/2020, hệ thống bán lẻ VinCommerce lần đầu tiên có lãi sau khi về chung nhà với Masan Group. Đây cũng là điểm nổi bật, tô điểm thêm cho bản báo cáo tài chính “lung linh” của Masan trong năm 2020 khi mang về doanh thu 77.218 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức doanh thu 37.354 tỉ đồng của năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông của công ty đạt 265 tỉ đồng trong quý 4 và 1.234 tỉ đồng trong cả năm 2020. Năm 2020, Masan cũng ghi dấu ấn khi khai trương tổ hợp chế biến thịt mát tại Long An, tổng đầu tư giai đoạn đầu lên đến 1.400 tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Hòa Phát là một trong những cái tên nổi bật khi vẫn báo lãi hàng nghìn tỉ đồng, bất chấp Covid-19. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Hòa Phát đã có một năm “ngược dòng” thành công rực rỡ khi tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt xa so với kế hoạch đề ra. Báo cáo tài chính mới công bố của DN này cho biết lũy kế cả năm 2020, tập đoàn đạt doanh thu 91.279 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Với mức lợi nhuận kỷ lục trong quý 4, Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận tới 4.660 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,42 lần cùng kỳ năm trước. Cả năm 2020, Hòa Phát đạt 13.506 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Bất ngờ nhất, ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề của đại dịch, nhiều lúc tưởng chừng đã mấp mé bờ vực phá sản nhưng Hãng hàng không Vietjet đã lội dòng ngoạn mục báo lãi 274 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm. Doanh thu hợp nhất cả năm đạt 18.210 tỉ đồng, Vietjet mang về lợi nhuận sau thuế 70 tỉ đồng sau 1 năm thị trường hàng không tăm tối. Với thành quả này, Vietjet trở thành một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà

Nhìn vào báo cáo tài chính của các DN điểm sáng kể trên có thể thấy, nhanh chóng thích nghi, năng động chuyển mình chính là một trong những chìa khóa giúp DN đứng vững trong tâm bão. Đơn cử, du lịch ngủ đông, nhiều đợt giãn cách xã hội khiến hoạt động đi lại suy giảm trầm trọng nhưng Vietjet đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay. Cơ cấu doanh thu phụ trợ của hãng trong năm qua đạt gần 50%. Khách ít, Vietjet đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hóa cho đội bay. Đây cũng là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương trong tháng 1 ghi nhận, một số ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày đã giữ được đà tăng xuất khẩu và duy trì được nhịp độ sản xuất ngay từ tháng đầu năm. Cụ thể, tháng 1, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 1 ước đạt 1,8 tỉ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, nhắc lại nhận xét ông từng đưa ra trước đây rằng tính thích ứng của người Việt nói chung và của DN Việt nói riêng rất cao. Ông nói: “Ngay thời điểm cả nước phải gồng mình chống dịch, số DN bị “rơi rụng”, đóng cửa ngày càng tăng. Nói chung tình hình rất ảm đạm, nhưng qua quan sát, tôi khẳng định rất nhiều DN khó phá sản, thậm chí họ sẽ lội ngược dòng ngay trong quý 4/2020, không chờ đến giữa năm 2021 như một số dự báo trước đó. Tại sao tôi có nhận định lạc quan như vậy? VN là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 nhưng để đạt được thành quả như vậy, nền kinh tế VN trong năm qua đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng về lý thuyết, trong bối cảnh hàng sản xuất ra bán không ai mua, dự án nhà khai trương cũng không ai dám đến xem nhà mẫu, thương mại quốc tế thì sụt giảm thê thảm do đơn hàng ngưng, đứt gãy chuỗi cung ứng và gần đây là thiếu container để xuất hàng đi…, thì DN sẽ sớm đóng cửa, phá sản, bỏ cuộc chơi. Song với DN tại VN, sẽ có gì đó “sai sai” trong một số trường hợp cụ thể nói trên. Ngay trong năm đại dịch, vẫn có công ty khai trương nhà máy sản xuất thịt lớn; ngay trong tháng cách ly toàn xã hội, vẫn có công ty sản xuất giày “nuôi” đủ 1.400 công nhân chỉ để may đế giày dự trữ chờ đơn hàng mới, hoặc DN may mặc tổ chức đánh giá hệ thống quản lý chất lượng ISO 9003 để sau đó đơn hàng đổ về làm không kịp…
“Quan sát của tôi cho thấy đa số những DN lội ngược dòng tốt trong thời điểm cuối năm và đầu năm nay đều có sự cải cách đáng kể. Cụ thể, tinh gọn nhân sự trong bộ máy sản xuất, kinh doanh của mình. Trong tương lai gần, tôi hy vọng những DN khác học hỏi được cách làm của một số DN cải tiến thành công và tiếp tục lội ngược dòng thành công ngay trong quý đầu năm”, ông Quân nhận định.
NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO