27/11/2024

Chuyên gia Úc: Khả năng Trung Quốc ‘châm ngòi khủng hoảng quân sự’ với Đài Loan

Chuyên gia Úc: Khả năng Trung Quốc ‘châm ngòi khủng hoảng quân sự’ với Đài Loan

Một chiến lược gia hàng đầu của Úc cảnh báo rằng Trung Quốc có thể châm ngòi khủng hoảng quân sự năm nay, lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một lần tập trận ở Tây Thái Bình Dương /// Reuters
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một lần tập trận ở Tây Thái Bình Dương REUTERS
Cảnh báo về Trung Quốc được đưa ra bởi giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings, thành viên nhóm chuyên gia được mời phát biểu tại Quốc hội Mỹ, theo tờ Herald Sun ngày 3.2.
Phiên điều trần của Ủy ban Mỹ – Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ nhằm dự báo về Biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan. Ông Jennings cho biết Trung Quốc có thể sẽ “thử các giới hạn”
“Điều này sẽ làm gia tăng khả năng có khủng hoảng lớn liên quan Đài Loan hoặc biển Hoa Đông trong năm 2021”, ông phát biểu.
Theo ông, khả năng đó có thể không liên quan đến Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng có thể liên quan đến việc cản trở về hàng hải, đóng cửa không phận, tấn công mạng, phóng tên lửa gần/bay qua Đài Loan, dùng các phần tử phá hoại, dùng lực lượng PLA trong các hoạt động vùng xám hoặc khả năng chiếm các đảo như Kim Môn, Mã Tổ và Đông Sa.
“Bắc Kinh sẽ tiếp tục khảo sát bằng hành động quân sự, thử xem phản ứng quốc tế và khảo sát tiếp”, ông Jennings dự báo.
Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng không chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiến hành một hoạt động quân sự lớn nhằm vào Đài Loan hoặc ở Biển Đông, nhưng có quan điểm sẽ tiến hành nếu thấy có lợi thế.
“Tôi mong Mỹ duy trì chính sách lâu dài về hỗ trợ Đài Loan. Điều đó liên quan đến lòng tin của mạng lưới đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương”, ông phát biểu và cho rằng các nước cùng tư tưởng nên khẩn cấp nỗ lực đối phó ảnh hưởng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc, và cam kết vì mục đích chung.

Chiến thuật vùng xám

Cũng tại phiên điều trần, chuyên gia phân tích về Trung Quốc Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lưu ý rằng việc Bắc Kinh nhấn mạnh về việc đạt được mục đích mà không sử dụng vũ lực.
Các chiến thuật vùng xám bao gồm việc phớt lờ các ranh giới quốc tế, lôi kéo về kinh tế và cưỡng ép. “Một chính trị gia hàng đầu Indonesia từng nói với tôi rằng Trung Quốc không có quyền lực mềm thực tế nào ở Đông Nam Á, nhưng có rất nhiều quyền lực tiền”, ông kể.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ các chuyên gia tại phiên điều trần đồng ý về mối đe dọa tiềm ẩn trước mắt.
Chuyên gia Robert Sutter tại Trường Ngoại giao Elliott (Mỹ) cho rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều lý do để tránh đối đầu với Mỹ.
Giáo sư kinh tế quốc tế Mary Lovely cho rằng nền kinh tế thế giới ổn định sẽ có lợi cho Trung Quốc, nhưng nước này cũng có các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm các thách thức trong và ngoài nước. Theo bà, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm lợi ích từ thương mại và đầu tư quốc tế, và giới lãnh đạo nước này đã nỗ lực ngoại giao để đạt lợi ích đó.
KHÁNH AN
TNO