23/11/2024

WHO vào ổ dịch Vũ Hán

WHO vào ổ dịch Vũ Hán

Trong một sứ mệnh mà áp lực chính trị nặng hơn áp lực khoa học, đã có ý kiến cho rằng chuyến đi lần này của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến Vũ Hán sẽ không thể cho ra câu trả lời ngay lập tức về nguồn gốc COVID-19.

 

 

WHO vào ổ dịch Vũ Hán - Ảnh 1.

Các nhà báo phàn nàn về việc bị ngăn chặn tiếp cận nhóm chuyên gia của WHO. Trong ảnh: xe đoàn chuyên gia đi chợ Hoa Nam vào chiều 31-1 – Ảnh: Reuters

Đây là một chuyến đi khoa học, dù phải thừa nhận rằng có rất nhiều áp lực chính trị, nhưng khoa học sẽ mở lối dẫn dắt. Các dữ liệu không biết dối trá.

Chuyên gia Peter Daszak (thành viên người Mỹ của đoàn chuyên gia WHO)

Theo lịch trình được giữ kín gần như tới phút chót, các chuyên gia WHO đã tới chợ Hoa Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào chiều

31-1, nơi được Hãng thông tấn AFP mô tả là “địa điểm số 0” của đại dịch toàn cầu COVID-19. Đây là ngày làm việc thứ hai của nhóm chuyên gia ở Vũ Hán. Chuyến đi diễn ra đúng vào ngày cách đây 1 năm WHO tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Thông tin bị kiểm soát chặt

Các hãng tin lớn như Reuters của Anh, AFP của Pháp và một số hãng tin khác đã than phiền việc chính quyền Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ lịch trình làm việc và các liên hệ của nhóm chuyên gia WHO. Họ gần như không được tiếp xúc với người bên ngoài với lý do “đảm bảo an toàn sức khỏe”, các phóng viên – ngoại trừ báo đài Trung Quốc – bị hạn chế tiếp cận.

Phóng viên Thomas Peter của Reuters mô tả an ninh Trung Quốc đã xô đẩy các nhà báo nước ngoài tìm cách phỏng vấn nhóm chuyên gia khi họ đến chợ Hoa Nam. Lực lượng an ninh được tăng cường giám sát ở mọi địa điểm nhóm chuyên gia đến thăm.

Nguồn thông tin duy nhất của báo chí bên ngoài Trung Quốc là Twitter của Peter Daszak hoặc Marion Koopmans, hai trong các chuyên gia đang có mặt tại Trung Quốc. Trước khi bắt đầu xuống thực địa, nhóm chuyên gia WHO đã trải qua 14 ngày cách ly tại Vũ Hán. Họ được chở đến gặp chính quyền Trung Quốc ngay sau khi rời khu cách ly và được giữ khoảng cách với truyền thông quốc tế kể từ đó.

“Chúng tôi hi vọng có thể hiểu được bối cảnh, xem xét các manh mối liên quan, mô phỏng lại các sự kiện đầu tiên, tìm kiếm các thông tin về việc buôn bán động vật hoang dã ở chợ Hoa Nam cũng như nói chuyện với các tiểu thương” – ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm chuyên gia WHO, nói với Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc. Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên

(30-1), nhóm được đưa đến bệnh viện Đông – Tây y kết hợp Hồ Bắc và Bệnh viện Jinyintan, hai trong số những bệnh viện đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân “viêm phổi lạ” vào cuối năm 2019.

Viết trên Twitter, chuyên gia Daszak cho biết các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện đã “trao đổi cởi mở và chi tiết về công việc của họ”. Ông Daszak nhấn mạnh chuyến đi là “cực kỳ quan trọng” nhưng không hé lộ thêm kết quả làm việc. Chiều cùng ngày 30-1, nhóm được đưa tới một trung tâm triển lãm, nơi trưng bày các thành tựu, nêu rõ và ca ngợi các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong những ngày đầu chống dịch.

Chỉ thu thập dữ liệu

Trung Quốc gọi chuyến đi của các chuyên gia WHO là “một phần trong các nỗ lực toàn cầu để nghiên cứu về đại dịch” như một cách khẳng định có đóng góp vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân gây đại dịch. “Đây không phải là một cuộc điều tra”, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 29-1. Truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ra cẩn trọng về ngôn từ như đã được hướng dẫn từ trước.

Trong một bài viết đăng tải sáng 31-1, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một loạt chuyên gia trong nước và xâu chuỗi các sự kiện để kết luận rằng chuyến đi tới chợ Hoa Nam có thể không giải quyết được vấn đề gì. Tờ này cũng cho rằng nguồn gốc động vật của virus corona gây COVID-19 cần tiếp tục được nghiên cứu, không thể vội kết luận sau chuyến đi tới chợ Hoa Nam.

“Việc Trung Quốc hỗ trợ các chuyên gia WHO tới địa điểm trên cho thấy sự minh bạch và cởi mở đối với sứ mệnh tìm kiếm nguồn gốc của virus”, Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh nêu quan điểm.

Không có lịch trình chính xác nào cho những ngày tới được công bố trong bối cảnh WHO tìm cách làm giảm các kỳ vọng sau chuyến đi. Trong một cuộc họp báo ngày 29-1, ông Michael Ryan – giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO – mô tả lịch trình “rất bận rộn”. Ngoài chợ Hoa Nam, nhóm chuyên gia đã lên kế hoạch tới Viện Virus học Vũ Hán và phòng thí nghiệm Trung tâm Kiểm soát – phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán…

“Đây là một công việc phức tạp. Những gì chúng tôi cần làm là thu thập tất cả dữ liệu trước khi đánh giá xem nhân loại đã biết được bao nhiêu về nguồn gốc của virus, liệu cần bao nhiêu nghiên cứu sâu hơn nữa để làm sáng tỏ nguồn gốc của đại dịch” – chuyên gia Ryan thuộc WHO giãi bày hôm 29-1.

Như vậy, nhiều khả năng sẽ không có câu trả lời ngay lập tức về nguồn gốc của virus sau chuyến đi lần này. Đặt trong bối cảnh chính trị đan xen khoa học, đây cũng là điều dễ hiểu.

DUY LINH
TTO