Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và việc chuyển đổi số cho tất cả các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, là nền tảng quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Nền tảng để “cất cánh”
Trong các văn kiện trình
Đại hội XIII,
kinh tế số đã nhiều lần được nhắc lại ở cả mục tiêu lẫn chiến lược. Sự chuyển dịch từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là bước nhảy vọt phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại, đồng thời phù hợp với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là con đường duy nhất giúp chúng ta thay đổi mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn trong thời đại số hiện nay. Đây là lúc để chúng ta cùng thay đổi, chung sức xây dựng một quốc gia số hùng cường và vững mạnh”.
Xây dựng chính phủ số, xã hội số và phát triển kinh tế số được xác định là một trong những nền tảng để Việt Nam “cất cánh”, trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng vào năm 2030. Phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng hôm 28.1, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên có chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, song hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để VN chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Cũng theo bộ trưởng, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng với 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trước đó, tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của kinh tế số. Theo ông, kinh tế số không chỉ liên quan đến lĩnh vực ICT, mà rộng hơn gồm tất cả các lĩnh vực có sử dụng công nghệ số, góp phần tăng năng suất lao động, tăng trưởng bền vững.
Trên thực tế, cùng với quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp (DN) công nghệ của Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên mới. Theo số liệu của Bộ TT-TT, sau hơn 1 năm thực hiện chiến lược Make in Vietnam, đã có hơn 13.000 DN công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 DN công nghệ số. Đây là con số kỷ lục khi mục tiêu ban đầu cao nhất là 6.000 DN mới được hình thành. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến mục tiêu 100.000 DN công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” cho biết, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số nói chung và các DN công nghệ nói riêng, có vai trò rất lớn từ các DN công nghệ hàng đầu hiện nay như VNPT, FPT… Không chỉ đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đang là “bà đỡ” thành công trong quá trình chuyển đổi số cho nền kinh tế, ở cả 2 lĩnh vực kinh tế ngành và chuyển đổi số cho DN.
Sứ mệnh chuyển đổi số doanh nghiệp
Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), DN này chọn hướng tiếp cận “đồng hành cùng DN Việt để chuyển đổi số”. “Kinh tế số không đơn thuần là kinh tế của những DN số như VNPT, FPT, Misa, mà động lực của kinh tế số là chuyển đổi số cho các DN, chuyển đổi số cho các ngành kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.
Với lĩnh vực kinh tế ngành, VNPT hiện tham gia sâu vào cả y tế,
giáo dục, nông nghiệp, du lịch thông minh. VNPT đã bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp bằng phát triển nông nghiệp thông minh công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, nhưng phần lớn là xuất thô với giá trị không cao, đồng thời chịu nhiều thách thức bởi yêu cầu khắt khe từ thị trường nước ngoài. Để giải quyết những thách thức này, giải pháp Nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) của VNPT đã được xây dựng, nhằm ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, dần hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao, chi phí sản xuất hợp lý, tốn ít nhân công, mang lại giá trị cao cho hàng triệu nông dân Việt Nam. Giải pháp Smart Agriculture của VNPT hiện đang bước đầu ứng dụng tại Bắc Ninh, Đà Lạt, Phú Yên…
Bên cạnh nông nghiệp, VNPT cũng đang tích cực tham gia chuyển đổi số du lịch. VNPT hiện đang giúp 40 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng hệ sinh thái
du lịch thông minh. Mới nhất, giữa tháng 12.2020, dựa trên Giải pháp du lịch thông minh VNPT Smart Tourist, Tập đoàn VNPT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Lào Cai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh riêng cho địa phương, tích hợp bản đồ số du lịch, giúp du khách chủ động kế hoạch, từ đặt vé, dịch vụ ăn uống/đi lại đến thực tại ảo VR…
Song song với chuyển đổi số cho các ngành kinh tế, VNPT cũng đặt trọng tâm vào chuyển đổi số cho các DN. Với các tập đoàn, DN nhà nước lớn, VNPT đang thực hiện chuyển đổi số cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty xi măng Việt Nam, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam…
Đặc biệt, với khối DN vừa và nhỏ (SME), VNPT thực hiện chuyển đổi số như một sứ mệnh, bởi DN khối SME không có cả động lực lẫn nguồn lực, không có nền tảng công nghệ. Lãnh đạo VNPT cho biết, VNPT sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tập trung xây dựng các nền tảng và đưa ra giải pháp cho từng nhóm DN phù hợp với nhu cầu, điều kiện cụ thể.
Xác định sứ mệnh chủ lực, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh các giải pháp như phát triển hạ tầng và dịch vụ số, xây dựng tài nguyên số, VNPT cũng đặt nhiệm vụ đầu tư nguồn lực để hoàn thiện các giải pháp và triển khai các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế. Tập trung các phương thức số hóa quá trình sản xuất
kinh doanh, chuyển đổi cách vận hành của DN trên nền tảng hệ thống CNTT là thế mạnh của tập đoàn.