23/11/2024

Lừa người vay lấy tiền phí, trộm thông tin tài khoản

Lừa người vay lấy tiền phí, trộm thông tin tài khoản

Đánh vào tâm lý cần tiền chi tiêu dịp cuối năm, kẻ gian thực hiện một số thủ đoạn lừa tiền cũ lấy tiền người dân.

 

 

Kẻ gian giả mạo OCB lừa tiền phí hồ sơ vay vốn /// Ảnh: TX
Kẻ gian giả mạo OCB lừa tiền phí hồ sơ vay vốn ẢNH: TX

Mất tiền khi vay

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tiếp nhận thông tin phản ánh từ khách hàng về việc một số đối tượng làm giả hợp đồng vay để thực hiện các hành vi lừa đảo, thu phí làm hồ sơ / hợp đồng vay nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng các thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Từ đó, lợi dụng lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo như thu phí làm hồ sơ (hoặc) phí nhận hợp đồng vay…
Các đối tượng này tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các kênh Facebook, mạng xã hội của những ngân hàng, công ty tài chính… Sau đó, từng bước tiếp cận, tư vấn, chào mời và thực hiện hành vi lừa đảo. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB. Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Khách hàng sau khi cung cấp các thông tin sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí từ 1,5 – 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.
Một thủ đoạn khác phổ biến đã lâu nhưng rộ lên gần đây là giả mạo trang fanpage, mạng xã hội… của ngân hàng để lừa đảo. Ví dụ nhiều fanpage, group Facebook giả mạo VietinBank như group VietinBank, fanpage Hỗ trợ vay vốn VietinBank, VietinBank Vay Tiêu Dùng…Những đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên VietinBank đăng các chủ đề trao đổi nghiệp vụ, nhu cầu tài chính như mở tài khoản, mở thẻ, vay tiền… Từ đó, tư vấn, đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (CMND/CCCD, sổ hộ khẩu), thông tin giao dịch (sao kê, OTP, tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Vietinbank, nhiều khách hàng sau khi truy cập vào link hoặc đơn giản là mở email/tin nhắn… thiết bị của khách hàng sẽ bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin.

Không truy cập đường link gửi từ tin nhắn

OCB khuyến cáo khách hàng cảnh giác với những cuộc điện thoại, tin nhắn, email tự nhận là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thanh toán trước các khoản phí mở hồ sơ, nhận hợp đồng hay giải ngân tiền. OCB khẳng định ngân hàng không yêu cầu nạp tiền / chuyển khoản / thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay.
Để bảo mật thông tin và tài sản, VietinBank khuyến cáo khách hàng chỉ truy cập vào fanpage chính thức và duy nhất của ngân hàng với tên VietinBank, có tick xanh, đặc biệt lưu ý, khách hàng không truy cập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai. Bên cạnh đó, khách hàng không mở email được gửi từ những địa chỉ lạ, không truy cập vào đường link lạ để tránh bị mã độc xâm nhập.
Phó tổng giám đốc phụ trách khách hàng cá nhân của một ngân hàng lớn cảnh báo người dân không nên đăng nhập tài khoản ngân hàng khi nhận được tin nhắn tự nhận ngân hàng có kèm đường link yêu cầu xác nhận các thông tin tài khoản. Với thủ đoạn này, kẻ lừa đảo sẽ vào được tài khoản ngân hàng của khách hàng và chuyển tiền đi.
THANH XUÂN
TNO