22/01/2025

10 năm đề án hạn chế xe cá nhân: ‘Tôi từng phản đối cấm xe máy’

10 năm đề án hạn chế xe cá nhân: ‘Tôi từng phản đối cấm xe máy’

Từng có quan điểm khá gay gắt “cấm xe máy thì người dân đi lại bằng gì”, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết hiện tại ông ủng hộ việc cấm xe máy, nhưng cần lộ trình chuẩn bị.

 

 

 

Cấm xe máy vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi hơn 10 năm qua /// Ảnh Ngọc Thắng
Cấm xe máy vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi hơn 10 năm qua  ẢNH NGỌC THẮNG
Thời điểm giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, năm 2016, khi Sở GTVT lấy ý kiến về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”, ông Liên đã đặt vấn đề: “Cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì?”. Lý do theo ông, xe máy là phương tiện tiện ích của người dân, trong khi ô tô cá nhân cũng là đối tượng gây ách tắc giao thông.
Dù vậy, thời điểm hiện tại, khi được hỏi quan điểm, ông Liên cho rằng cấm xe máy là cần thiết, và cần lộ trình cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nói về sự thay đổi này trong quan điểm, ông Liên cho biết, trước đây ông cũng từng phản đối xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, vài năm gần đây xe buýt nhanh đã chứng tỏ được hiệu quả, cá nhân ông và nhiều người trong gia đình thường xuyên sử dụng. “Nhà tôi hiện tại chỉ còn một chiếc xe máy, nhưng cũng ít sử dụng, nếu có đi đâu cũng dùng các phương tiện khác như xe buýt, BRT… Sự tiến bộ của xã hội tăng lên thì quan điểm của người dân cũng thay đổi theo”, ông Liên nói.
10 năm đề án hạn chế xe cá nhân: ‘Tôi từng phản đối cấm xe máy’ - ảnh 1

Ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh của người dân đô thị ẢNH NGỌC DƯƠNG

Theo ông Liên, có 2 vấn đề cần lưu ý để chuẩn bị cho lộ trình cấm xe máy: Thứ nhất, phải chuẩn bị thật tốt công tác tư tưởng cho người dân, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao nhất. Các tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc, vì cấm xe máy tại Hà Nội, TP.HCM không chỉ ảnh hưởng đến người dân sinh sống tại 2 TP này, mà còn liên quan đến lượng người dân rất lớn từ các địa phương lân cận về buôn bán.
“Trước đây khu dân cư tôi ở người dân thường xuyên nấu bếp than tổ ong, rất độc hại và ô nhiễm môi trường. Hà Nội có quyết định cấm bếp than tổ ong, nhưng để thực hiện được thì Hội Phụ nữ phường và các tổ chức đoàn thể của phường đã quyên góp để tặng các hộ nghèo bếp từ. Sau đó, người dân cũng tự giác không dùng bếp than tổ ong nữa”, ông Liên nêu ví dụ và cho rằng, cấm xe máy cũng nên thực hiện như vậy. Với những người nghèo xe máy là phương tiện chính thì cần có chính sách hỗ trợ và chuyển đổi. Ngoài ra, công tác “chuẩn bị tư tưởng” có ý nghĩa rất quan trọng, tránh khi ban hành lệnh cấm lại gặp phản ứng mạnh từ phía người dân.
Thứ 2, Nghị quyết 04 của HĐND TP.Hà Nội ban hành năm 2017 đã nêu lộ trình cấm xe máy đến năm 2030. “Đây là khoảng thời gian cần thiết để phát triển vận tải công cộng. Không thể nói chuyện cấm xe máy khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được. Muốn vậy thì TP phải quyết tâm và đầu tư nhanh, nhiều hơn nữa cho vận tải công cộng trong 10 năm tới”, ông Liên khuyến nghị.
TP.HCM quyết liệt, Hà Nội đủng đỉnh
Năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp Viện Phát triển Chiến lược giao thông (Bộ GTVT) dự thảo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện cá nhân”. Trong đó đưa ra giải pháp hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2020 (hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần và dịp lễ tết).
Năm 2021 dừng hoạt động với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 – 19 giờ hàng ngày, hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ. Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ. Giai đoạn 3 đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3, xe ô tô cá nhân hoạt động theo giờ tại một số tuyến, khu vực.
Tuy nhiên, nếu TP.HCM đã có những hành động cụ thể trong lộ trình cấm xe máy, bắt đầu từ việc kiểm soát khí thải xe máy, tiến tới loại bỏ xe máy cũ, cấm xe máy vào các quận nội đô trong lộ trình 2025 – 2030. Thì tới hết 2020, Hà Nội vẫn chưa có các hành động cụ thể nào trừ các chủ trương, đề án.
MAI HÀ
TNO