Ngân hàng báo không có tiền mới, nhưng lên mạng đổi ‘bao nhiêu cũng có’
Ngân hàng báo không có tiền mới, nhưng lên mạng đổi ‘bao nhiêu cũng có’
Trong khi các ngân hàng đều trả lời không có tiền mới, trên mạng nhiều người rao đổi tiền lẻ đủ mọi mệnh giá với cam kết là tiền mới, xêri liên tục. Riêng loại 500 đồng mới, mức phí lên tới 100%.
Dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “siết” việc đổi tiền mới, các giao dịch đổi tiền mới vẫn sôi động vào những ngày cuối năm, nhất là trên mạng xã hội với những nhóm kín lên tới hàng chục ngàn thành viên, phí đổi tiền trên thị trường tự do cũng được đẩy lên rất cao…
Trước tình trạng “bát nháo” đổi tiền thu phí tại thị trường tự do, UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công an, Cục Quản lý thị trường TP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền lẻ trái phép.
Ngân hàng: không có tiền mới mệnh giá nhỏ
Dù là khách gửi tiết kiệm cả năm ở ngân hàng, nhưng khi ngỏ ý đổi ít tiền mới để lì xì, chị Kim Ngân (Q.Phú Nhuận) được nhân viên ngân hàng thông báo không có tiền mới. Tiếp tục tìm đến một số chi nhánh khác, chị Ngân được trả lời là tiền chưa về, hoặc số lượng tiền mới rất ít nên không đủ cho mọi khách hàng.
Chị Tuyền, giao dịch viên của một ngân hàng lớn tại TP.HCM, cho biết rất đau đầu vì nhờ đổi tiền mới mỗi dịp cuối năm. “Tôi đã chia sẻ văn bản hạn chế đổi tiền mới của Ngân hàng Nhà nước về Facebook cá nhân nhưng người quen vẫn nhắn tin hỏi suốt”, chị Tuyền than.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phân bổ tiền mới nên không có để đổi cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù các ngân hàng đều trả lời không có tiền mới nhưng nhiều điểm rao đổi tiền lẻ từ đầu tháng 12 với đủ mọi mệnh giá, từ 1.000-100.000 đồng, 200.000 đồng… với cam kết là tiền mới, xêri liên tục. Kèm theo đó là hình chụp hàng bao tiền nguyên bó với đủ mọi mệnh giá. Mức phí được hét… trên trời với lý do khan hiếm.
Một điểm đổi tiền tại Q.Phú Nhuận báo mức phí đổi tiền lên đến 10% nếu mức đổi dưới 20 triệu đồng. Trường hợp đổi từ 20-30 triệu đồng trở lên mức phí giảm còn khoảng 7%. Nếu đổi khoảng 100 triệu đồng, mức phí là 5%.
“Chợ” tiền mới nhộn nhịp trên mạng
Nhằm tránh bị cơ quan chức năng xử phạt, những điểm làm dịch vụ đổi tiền đã lập nên các nhóm kín trên mạng xã hội, quy tụ hàng chục ngàn thành viên, người mua kẻ bán rất xôm tụ. Như nhóm “Đổi tiền mới” có đến hơn 13.000 thành viên, nhóm “Hoa tiền lì xì” có đến 2.700 thành viên…
Mức phí nhiều nơi tính theo số tiền đổi và mệnh giá tiền. Mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng cao. Mệnh giá nào năm nay “khan” mức phí sẽ bị đẩy lên cao. Chẳng hạn, tiền mệnh giá 1.000 đồng bị hét phí lên đến 15%, 1 triệu đồng mất phí 150.000 đồng. Tiền mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng và 10.000 đồng, nếu đổi 1 triệu sẽ phải chịu mức phí là 6,5%.
Với tiền có mệnh giá 20.000 và 50.000 đồng, mức phí lên đến 7,5% nếu đổi 1 triệu đồng.
Riêng loại 500 đồng mới, do khan hiếm, mức phí lên tới 100%, tức phải bỏ ra 1 triệu đồng để đổi lấy 500.000 đồng. Nếu đổi theo từng bó (1.000 tờ) mức phí rẻ hơn, với tiền mệnh giá 20.000 đồng phí đổi nguyên bó 20 triệu đồng là 4%, với mệnh giá 50.000 đồng mức phí đổi nguyên bó là 3%.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do năm nay hạn chế in tiền lẻ mới nên còn xuất hiện cả tiền dùng “lướt”, được quảng cáo tương đương tiền mới in, chưa bẩn chưa nhàu nhưng số xêri không liên tục.
Không in tiền mới, tiết kiệm hơn 3.500 tỉ đồng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết việc hạn chế in tiền lẻ mới trong những năm gần đây đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỉ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không in tiền mới có mệnh giá nhỏ, dưới 5.000 đồng. Từ 2021, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Nếu phát hiện cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu phải chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, đặc biệt là tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.