23/12/2024

Biến thể vi rút Covid-19 ngày càng lan rộng

Biến thể vi rút Covid-19 ngày càng lan rộng

Các biến thể mới của SARS-CoV-2 lan rộng tại nhiều nước, trong khi Tổ chức Y tế thế giới trấn an rằng nhân loại sẽ vượt qua đại dịch.
Di chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàng gia London, Anh giữa đại dịch Covid-19 /// REUTERS
Di chuyển bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàng gia London, Anh giữa đại dịch Covid-19  REUTERS
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua 28.1 cho hay các biến thể mới của vi rút gây Covid-19 khiến chúng có mức độ lây lan mạnh hơn và khiến vắc xin, kháng thể ít hiệu quả hơn đã lây lan nhanh chóng. AFP dẫn thông báo của WHO cho hay biến thể xuất hiện đầu tiên ở Anh, có tên là VOC 202012/01 hay B.1.1.7, đã lây lan sang ít nhất 70 nước tại mọi khu vực trên thế giới. Trong khi đó, biến thể xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, có tên là 501.V2, đã được ghi nhận tại 31 nước.

Tăng cường đối phó

Lo ngại các biến thể có nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều nước siết chặt biện pháp phòng dịch, đặc biệt hạn chế đi lại. Phần Lan cấm người nhập cảnh từ các nước khác ở châu Âu từ ngày 27.1, trừ những người có nhu cầu thực sự cần thiết, trong khi Na Uy cấm hầu hết công dân nước ngoài nhập cảnh từ ngày mai. Bồ Đào Nha và Colombia đã tạm ngưng mọi chuyến bay với Brazil. Còn Đức đang cân nhắc tạm ngưng tiếp nhận hành khách từ Anh, Brazil, Bồ Đào Nha và Nam Phi.
Anh – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 tại châu Âu – đã ban hành quy định mới về cách ly tại khách sạn đối với những người trở về từ 22 nước “có nguy cơ cao”. Tại Đan Mạch, biến thể của SARS-CoV-2 lây lan nhanh đến mức giới chức dự đoán số ca mắc sẽ nhiều hơn cả trường hợp nhiễm bệnh vì phiên bản gốc. Lúc này, giới chức Đan Mạch đang chạy đua với thời gian để tiêm vắc xin với hy vọng có thể hoàn thành chủng ngừa trước khi quá muộn.

Vi rút sẽ bị chế ngự

Trước diễn biến trên, chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO vẫn khẳng định rằng các biến thể vi rút không phải là dấu hiệu cho thấy nhân loại đang thua trong cuộc chiến chống đại dịch. “Không hề. Chúng ta có thể chế ngự và chúng ta sẽ chế ngự được vi rút này”, bà nhấn mạnh.
Trong thông cáo đưa ra hôm qua, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho hay vắc xin của liên doanh này có hiệu quả đối với các biến thể vi rút từ Anh và Nam Phi. Theo đó, dù có “khác biệt nhỏ” trong các thử nghiệm đối với các biến thể mới so với biến thể ban đầu, các biến thể gần đây “khó có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể đối với hiệu quả của vắc xin”.
Trong nỗ lực chế ngự vi rút, WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ vắc xin, trước thực trạng các nước giàu đang đẩy mạnh chủng ngừa, trong khi các nước nghèo vẫn chờ những lô đầu tiên. Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng không thể chấp nhận được khi các nước giàu tiếp tục triển khai tiêm chủng đại trà, trong khi các nhân viên y tế và các nhóm dễ bị nhiễm tại những nơi khác vẫn đang “gặp nguy”. Theo ông, điều quan trọng là vắc xin cần được chia sẻ cho những nhóm có nguy cơ cao nhất, nhằm kết thúc đại dịch nhanh hơn.
Mỹ dự báo 90.000 người chết trong tháng 2
Hãng AP hôm qua đưa tin chính quyền Tổng thống Biden dự báo có thể có đến 90.000 người sẽ tử vong vì Covid-19 tại Mỹ trong vòng 4 tuần tới. Giám đốc Rochelle Walensky của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ cũng dự báo số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ sẽ lên đến 479.000 – 514.000 vào ngày 20.2, so với con số hơn 429.000 ca tính đến hôm qua.
Mỹ – Trung căng thẳng chuyện nguồn gốc Covid-19
Tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nhóm điều tra WHO hôm qua rời khách sạn sau 14 ngày cách ly để bắt đầu điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2. Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ muốn có một cuộc điều tra quốc tế “rõ ràng” về nguồn gốc Covid-19. Bà còn cho rằng có “mối quan ngại lớn về thông tin sai lệch xuất phát từ Trung Quốc”.
Theo nữ phát ngôn viên, chính phủ Tổng thống Joe Biden đang dành nguồn lực đáng kể để tìm hiểu những gì đã xảy ra và “sẽ không xem báo cáo điều tra của WHO là điều hiển nhiên”. Washington sẽ “dựa trên thông tin do cộng đồng tình báo Mỹ thu thập và phân tích” và phối hợp với các đồng minh để đánh giá độ tin cậy của báo cáo điều tra WHO, theo bà Psaki. Tuyên bố được đưa ra sau khi WHO cho biết còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các chuyên gia WHO phải được tự do làm việc mà không bị “can thiệp chính trị”. Trung Quốc hy vọng Mỹ “tôn trọng thực tế và khoa học, tôn trọng công việc vất vả của nhóm chuyên gia quốc tế của WHO”, theo ông Triệu.
KHÁNH AN
TNO