23/01/2025

WHO cảnh báo ‘còn rất sớm’ để châu Âu nới lỏng chống COVID-19

WHO cảnh báo ‘còn rất sớm’ để châu Âu nới lỏng chống COVID-19

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) châu Âu, ông Hans Kluge, ngày 28-1 cho biết tốc độ lây lan của COVID-19 vẫn quá nhanh, vì thế hiện “còn rất sớm để nới lỏng” các biện pháp giới hạn.

 

WHO cảnh báo còn rất sớm để châu Âu nới lỏng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge – Ảnh: ICN

“Chúng ta cần nhẫn nại, việc tiêm vắc xin cần thời gian. Chúng ta đã có một bài học đắt giá rằng mở cửa và đóng cửa, rồi lại mở cửa nhanh chóng là một chiến lược tồi” để kìm hãm dịch bệnh COVID-19, giám đốc WHO châu Âu tuyên bố.

Theo ông Kluge, tỉ lệ lây nhiễm trên toàn châu Âu hiện “vẫn rất cao, ảnh hưởng đến hệ thống y tế và rút cạn nguồn lực, khiến việc nới lỏng trở nên quá sớm”.

“Đẩy tốc độ lây lan xuống cần nỗ lực bền bỉ và nhất quán. Hãy nhớ rằng hiện chỉ mới có hơn 3% người dân châu lục này được xác nhận nhiễm COVID-19. Các vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu bùng dịch một lần nữa”, ông Kluge cảnh báo.

Khi được hỏi về việc chậm trễ thực hiện tiêm vắc xin của Pfizer và AstraZeneca cho người dân của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), ông Kluge cho biết các chính phủ và hãng sản xuất cần hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề phân phối.

“Thực tế là nguồn cung vắc xin đang thiếu hụt… Nhưng tôi không nghi ngờ rằng các nhà sản xuất đang làm việc 24/7 để bù đắp sự chênh lệch. Chúng ta cần tin rằng sự trì hoãn hiện nay sẽ được thay bằng nguồn cung dồi dào trong tương lai”, ông nói.

Ông Kluge đưa ra nhận định trên trong bối cảnh cuộc chiến đảm bảo nguồn cung vắc xin COVID-19 tại châu Âu đang ngày một căng thẳng.

Theo Hãng tin Reuters, Vương quốc Anh đã yêu cầu được nhận toàn bộ số liều vắc xin đã trả tiền, sau khi EU yêu cầu AstraZeneca điều hướng nguồn cung khỏi Anh.

Các quốc gia EU đang xếp sau Israel, Anh và Mỹ trong việc phân phối vắc xin. Khối này đang chật vật để bảo đảm nguồn cung vì các nhà sản xuất giao hàng quá chậm.

Theo vị giám đốc trên, tổng cộng 35 quốc gia châu Âu đã triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 với 25 triệu liều đã được tiêm.

“Những loại vắc xin này đang cho thấy sự hiệu quả và an toàn mà chúng ta hi vọng… Công tác quan trọng này sẽ giúp giải tỏa áp lực của các hệ thống y tế và, không nghi ngờ gì, cứu mạng người”, ông nói.

Giám đốc WHO châu Âu cũng cho biết tỉ lệ lây nhiễm và tốc độ lây lan của các biến thể COVID-19 mới đang khiến việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên trở nên cấp thiết. Dù vậy, ông cho rằng tỉ lệ giữa sản lượng vắc xin và số lượng được phân phối vẫn chưa đạt kỳ vọng.

“Nghịch lý là khi cộng đồng cho rằng đã sắp đến hồi kết nhờ có vắc xin, thì họ lại được kêu gọi tuân thủ các biện pháp hạn chế khi đối mặt với một mối đe dọa mới. Điều này đang đang gây ra tâm lý căng thẳng, tức giận, mệt mỏi và bối rối. Đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được”, ông Kulge nói.

Trong khi đó, bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn ngày 28-1 cảnh báo nước này sẽ thiếu vắc xin cho đến tháng 4. Ông Spahn cũng thời kêu gọi lãnh đạo các bang tại Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh để bàn bạc về kế hoạch tiêm chủng.

NGUYÊN HẠNH
TTO