23/12/2024

TP.HCM bắt đầu “siết” xe máy

TP.HCM bắt đầu “siết” xe máy

Bắt đầu từ kiểm soát khí thải để loại xe máy cũ, TP.HCM sẽ từng bước hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy vào khu vực trung tâm.
Xe máy được cho là “tác nhân” lớn nhất gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường /// Ảnh: Khả Hòa
Xe máy được cho là “tác nhân” lớn nhất gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường ẢNH: KHẢ HÒA
Sáng qua (27.1), Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP. Đây là chương trình do Sở GTVT TP kết hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy VN và Công ty Honda VN triển khai từ 15.5 – 2.9.2020.

“Hung thủ” chính gây ô nhiễm môi trường

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP, đánh giá ô nhiễm môi trường không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như công nghiệp, GTVT, sinh hoạt… Trong đó, hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy nói riêng là một trong những nguồn phát thải trực tiếp một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người.

Lộ trình trong vòng 10 năm, bắt đầu từ việc áp dụng các biện pháp hạn chế, sau đó mới từ từ tiến đến cấm hẳn và triển khai theo từng khu vực để thăm dò hiệu quả như vậy là hợp lý

KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Số liệu khảo sát từ chương trình thí điểm cho thấy, tính đến tháng 9.2020, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 7,4 triệu xe máy, trong đó lượng xe trên 10 năm sử dụng chiếm tới 67,89%. Đây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Trong trường hợp TP không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm; với Hydrocarbon (HC) là 4.475 tấn/năm tương ứng với mức gia tăng là 12,85%/năm. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy thì lượng khí thải giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (giảm 13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (giảm 13,8%). Do đó, với việc kiểm soát khí thải xe máy, lượng khí thải độc hại thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều, chất lượng môi trường không khí TP sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

Từ kết quả chương trình thí điểm, Viện Môi trường, Viện Khoa học và công nghệ GTVT (ITST) đề xuất phương án “Kiểm soát hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe”. Cụ thể, giai đoạn thử nghiệm (2023 – 2024), xe máy đang lưu hành trên địa bàn phải đo kiểm tra khí thải; dán tem kiểm định khí thải. Kiểm tra khí thải toàn bộ xe lưu hành trên toàn TP để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải xe máy; phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên, khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN 6438-2018 được lưu thông, các xe vi phạm chỉ phạt hành chính nhưng cho lưu thông.
Giai đoạn thực thi một phần (2025 – 2026): xe máy mới phải dán tem về khí thải khi bán ra; xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra khí thải; từ 5 năm sử dụng trở lên phải đo kiểm tra khí thải. Phạm vi kiểm soát mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình, tùy mức tiêu chuẩn khí thải sẽ xác định xe phải kiểm soát theo năm sử dụng (có thể là 3 năm sử dụng); tổ chức giao thông các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải lưu thông tại các khu vực đã phân vùng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án kiểm soát khí thải tại TP.HCM là 553,06 tỉ đồng. Dự kiến nguồn phí thu được giai đoạn 2023 – 2024 là 348 tỉ đồng; giai đoạn từ 2025 trở đi, mỗi năm sẽ thu được 299 tỉ đồng, tổng thu đến 2030 là 2.142 tỉ đồng. Khoản chênh lệch gần 1.600 tỉ đồng sẽ nộp ngân sách, tái đầu tư đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Giai đoạn thực thi toàn phần (2027 – 2030): Xe máy mới phải dán tem về khí thải khi bán ra; xe máy đang lưu hành trên địa bàn phải đo kiểm tra khí thải. Phạm vi kiểm soát mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải cho 13 quận trung tâm (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp); thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe. Mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2026 – 2030 là tiếp tục nâng mức giới hạn tiêu chuẩn khí thải, mở rộng phân vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường nhằm điều chỉnh lưu thông của xe máy, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các điều kiện tiếp cận đã đáp ứng.

10 năm để “loại” xe máy khỏi trung tâm TP

Trước đề án kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, UBND TP.HCM cũng đã thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. Trong đó, cũng đặt ra mục tiêu hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 – 3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10…) vào giai đoạn 2025 – 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế. Chưa bao giờ kế hoạch hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng xe gắn máy tại khu vực trung tâm được TP xây dựng kế hoạch bài bản, quyết tâm như thế.
Lãnh đạo Sở GTVT TP thừa nhận khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe gắn máy theo lộ trình đến 2030, hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ xe khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ, nhà ga… do lượng khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự đồng thuận, chia sẻ với các giải pháp của đề án.
TP.HCM bắt đầu “siết” xe máy
“Tuy nhiên hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân là cần thiết. Đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững”, vị lãnh đạo này khẳng định và nhấn mạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ủng hộ kế hoạch “loại” xe gắn máy ra khỏi địa bàn TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng phân tích nếu đưa lên bàn cân để so sánh thì số tiền mà nhà nước phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, chi phí xây dựng, mặt bằng cho mỗi chiếc xe máy lớn hơn nhiều so với số thu về từ ngành công nghiệp này. Quan trọng hơn, người dân mới chính là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp. So với giao thông công cộng, một người dân sẽ phải mất rất nhiều chi phí cho vấn đề đi lại nếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Với mức lương thấp so với mặt bằng chung của thế giới hiện nay, người dân VN quá “tội nghiệp” khi phải tự lo về phương tiện giao thông và đối mặt với các rủi ro tai nạn từ xe máy khi số người chết vì tai nạn giao thông (phần lớn do xe máy gây ra) mỗi năm quá lớn.
“Không chỉ mất an toàn, xe máy còn là phương tiện không phục vụ cho người tàn tật, người già và trẻ em. Phương tiện giao thông này không dành cho một TP, một đất nước văn minh, cần phải loại bỏ. Lộ trình trong vòng 10 năm, bắt đầu từ việc áp dụng các biện pháp hạn chế, sau đó mới từ từ tiến đến cấm hẳn và triển khai theo từng khu vực để thăm dò hiệu quả như vậy là hợp lý. Muốn thay thế cái này phải có cái kia. Chủ trương là đúng nhưng phải đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, để họ so sánh cái nào tiện hơn, hiệu quả hơn và quan trọng nhất là an toàn hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
HÀ MAI
TNO