23/12/2024

Nhân loại đang thắng hay thua trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19?

Nhân loại đang thắng hay thua trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19?

Các chuyên gia tiếp tục kêu gọi chia sẻ vắc xin công bằng, trong khi khẳng định thế giới sẽ dần chế ngự được virus gây Covid-19.
Một nghĩa trang chôn cất người tử vong vì Covid-19 ở Brazil /// AFP
Một nghĩa trang chôn cất người tử vong vì Covid-19 ở Brazil AFP
Hãng AFP ngày 28.1 dẫn lời chuyên gia Maria Van Kerkhove thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định rằng nhân loại không phải đang thua trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sẽ dần dần chế ngự được virus.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày vượt mốc 18.000 lần đầu tiên, với các biến thể đang lây lan nhanh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bà Van Kerkhove cho rằng các biến thể không thể hiện sự thất bại của thế giới.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thua cuộc chiến này không? Không hề. Chúng ta đang chiến đấu vì sinh mạng. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta không chiến đấu chống lại nhau, rằng chúng ta đang chiến đấu chống lại virus, trong đó có các biến thế”, bà nhấn mạnh.
Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thế giới hiện ghi nhận 100.755.075 ca mắc Covid-19, với 2.170.608 ca tử vong và 55.694.663 ca hồi phục.
Trong nỗ lực tiêm phòng vắc xin, các nước giàu đang đẩy mạnh chủng ngừa các nhân viên y tế và người cao tuổi, trong khi những nước nghèo đang chờ các lô đầu tiên.
Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng không thể chấp nhận được khi các nước giàu tiếp tục triển khai tiêm chủng đại trà, trong khi các nhân viên y tế và các nhóm cực kỳ dễ bị nhiễm tại những nơi khác vẫn đang phơi nhiễm.
“Chúng ta chắc chắn không thể chấp nhận tình huống mà các nhân viên y tế ở tuyến đầu mạo hiểm mạng sống hằng ngày, và những người dễ mắc nhất đang không tiếp cận được vắc xin”, ông phát biểu.
“Nếu chúng ta rơi vào tình huống thế giới phát triển nơi những người hoàn toàn khỏe mạnh được tiêm chủng còn những nhân viên tuyến đầu và người dễ bị nhiễm lại không được tiêm, thì điều đó rất không công bằng”, ông nói và kêu gọi các nước chia sẻ vắc xin Covid-19.
Theo ông, điều quan trọng là vắc xin cần được chia sẻ cho những nhóm có nguy cơ cao nhất, nhằm kết thúc đại dịch Covid-19 nhanh hơn.
KHÁNH AN
TNO