Người làm công ăn lương đóng thuế cao nhất
Người làm công ăn lương đóng thuế cao nhất
Cùng một mức thu nhập, nhưng người làm công ăn lương phải đóng tỷ lệ thuế cao hơn so với người kinh doanh.
Người kinh doanh đóng thuế ít hơn
Thông tin một cô gái ở Hà Nội nhận thu nhập “khủng” 330 tỉ đồng và nộp thuế 23,4 tỉ và một cá nhân nộp thuế cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy có thu nhập 260 tỉ đồng, nộp thuế 18,1 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận không chỉ vì thu nhập khủng mà còn vì mức thuế phải đóng. Tính ra, các cá nhân này đóng thuế theo thuế suất 7% trong khi người làm công ăn lương nếu có thu nhập trên 80 triệu đồng, mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng là 35%.
Đại diện Tổng Cục thuế giải thích, cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo được xem là cá nhân kinh doanh, do đó cách tính thuế khác với người làm công ăn lương. Thu nhập từ tiền lương tiền công có biểu thuế luỹ tiến lên đến 35%, còn thuế thu nhập từ kinh doanh là thuế suất toàn phần tính trên tổng doanh thu. Về cơ bản, người sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có thể chịu hai loại thuế là giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân với thuế suất cao nhất là 7%.
Theo quy định hiện nay, có khá nhiều ngưỡng thuế thu nhập cá nhân khác nhau. Đơn cử cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu một năm trên 100 triệu đồng sẽ đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập cá nhân (TNCN) tùy theo ngành nghề. Cụ thể, trong lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa tương ứng 1% và 0,5%; dịch vụ là 5% và 2%; riêng cho thuê tài sản, đại lý xổ số, bảo hiểm thì thuế TNCN là 5%; sản xuất, vận tải, chế biến… là 3% và 1,5%; sản xuất, dịch vụ khác… là 2% và 1%.
Trong khi đó, người có thu nhập từ tiền công, tiền lương phải nộp thuế TNCN từ 5 – 35% sau khi được khấu trừ gia cảnh cho bản thân 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính theo biểu thuế suất TNCN từ tiền công tiền lương, người có thu nhập 330 tỉ đồng/năm sẽ rơi vào mức thuế suất cao nhất 35%, số thuế phải đóng lên đến 114,5 tỉ đồng.
Số thu vẫn chủ yếu từ người làm công ăn lương
Chính vì thuế suất của các đối tượng chênh lệch quá cao nên đã gây ra bất cập, người làm công ăn lương được xem là đối tượng “có tóc” phải chịu tỷ lệ thuế thu nhập cao.
Anh Lê Quang – nhân viên một công ty công nghệ thông tin – tại quận 12, TP.HCM chia sẻ trong năm 2020, dù các mức lương thưởng bị giảm vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sau khi khấu trừ chi tiêu cho bản thân thì thuế suất thuế TNCN mà anh phải đóng vẫn là 25% như năm trước đó. Với thu nhập 40 triệu đồng/tháng, có 2 con đang còn đi học thì tổng số tiền được giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng. Số tiền còn lại 20,2 triệu đồng phải nộp thuế TNCN. Đây là mức thu nhập tính thuế thuộc bậc 4 và người này phải 20%, tương ứng là 2,39 triệu đồng/tháng (tính theo lũy tiến gồm thu nhập đến 5 triệu đồng là 5%, từ 5 triệu đến 10 triệu đồng là 10%…).
Thế nhưng, một người kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vận tải có cùng mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chịu thuế suất TNCN 1,5% và thuế GTGT là 3% nên số thuế phải đóng là 900.000 đồng; nếu người có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì mức thuế phải nộp là 1,8 triệu đồng.
Như vậy, tỷ lệ thuế trên thu nhập của người làm công ăn lương là 11,5%, còn người kinh doanh chỉ ở mức 4,5%.
Dù có đến 10 khoản thu nhập chịu thuế TNCN nhưng tỷ lệ thuế từ người làm công ăn lương chiếm đến 70%. Số thu thuế TNCN năm 2020 đạt khoảng 100.000 tỉ đồng thì người làm công ăn lương đã đóng 70.000 tỉ đồng. Chính vì thuế suất đối với khoản tiền công tiền lương ở mức cao nên thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị yêu cầu giảm thuế suất của đối tượng này xuống nhằm tránh những bất cập như trên.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO