23/01/2025

Gian nan tìm thuốc điều trị Covid-19

Gian nan tìm thuốc điều trị Covid-19

Các nhà khoa học trên thế giới tiến hành thử nghiệm một số dược phẩm sẵn có để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhưng không thể chứng minh hiệu quả của thuốc.
Bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ /// Ảnh: Reuters
Bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ  ẢNH: REUTERS
Hiện không có  thuốc đặc trị Covid-19 nên các nhà khoa học nỗ lực dùng những loại thuốc kháng vi rút sẵn có để thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19. Một số loại thuốc được đánh giá hiệu quả, nhưng chỉ là giai đoạn đầu của nghiên cứu, còn số khác thì được chứng minh không có tác dụng chống lại Covid-19.

Khám phá từ Canada

Mới đây, Viện Tim Montreal (MHI, Canada) được cho là mang đến tia hy vọng mới, khi đưa ra một thông cáo báo chí ngày 22.1, cho rằng thuốc colchicine, thường được dùng để điều trị gout (gút), có thể làm giảm các biến chứng của Covid-19. Trong thông cáo, MHI kết luận tỷ lệ nhập viện (phải thở máy) hoặc tử vong ở bệnh nhân Covid-19 dùng colchicine thấp hơn 21% so với người sử dụng giả dược. Nghiên cứu được thực hiện với 4.488 bệnh nhân ở Canada, Mỹ, Nam Phi và các quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi MHI chỉ mới đưa ra thông cáo báo chí ngắn gọn, mà không công bố dữ liệu chi tiết. MHI cũng không công bố nghiên cứu trên những tạp chí được bình duyệt, tức có sự kiểm tra chéo của các chuyên gia trong ngành, theo trang tin chuyên về y tế Stat News (Mỹ).
“Đây có thể là một phát hiện thực sự. Tuy nhiên, tôi không thể tin tưởng thông cáo báo chí”, chuyên gia Ashish Jha tại Đại học Brown (Mỹ) nói. Một số chuyên gia khác chỉ ra rằng một nghiên cứu về colchicine dùng để điều trị người bị bệnh tim trước đây phát hiện thuốc này có tác dụng phụ là tiêu chảy và viêm phổi.
Gian nan tìm thuốc điều trị Covid-19

Các nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương ở TP.Winnipeg, Canada

Nhiều hy vọng bất thành

Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo thận trọng khi xuất hiện thông tin cho rằng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine có thể được dùng để điều trị Covid-19 vì không có bằng chứng khoa học rõ ràng, theo AFP. Hồi tháng 7.2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị không dùng hydroxychloroquine trong điều trị Covid-19.

Các nước tăng cường hạn chế nhập cảnh

Mỹ hôm qua đã gia nhập Pháp, Israel và Thụy Điển thi hành các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh từng có mặt tại Anh, Brazil, Ireland, Nam Phi và đa số các quốc gia châu Âu trong thời gian gần đây, theo AFP. Một ngày trước, Pháp bắt đầu yêu cầu người đến từ các quốc gia EU phải trình giấy xét nghiệm âm tính, trong khi Thụy Điển cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Na Uy trong vòng 3 tuần.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố “đóng cửa bầu trời” đối với các chuyến bay đến và đi trong vòng 1 tuần vì lo ngại các biến thể mới của Covid-19. Cố vấn của Tổng thống Joe Biden, bác sĩ Anthony Fauci cảnh báo biến thể mới lần đầu tiên phát hiện tại Anh có khả năng gieo rắc chết chóc mạnh hơn chủng Covid-19 ban đầu. Bên cạnh đó, ông cũng lo ngại biến thể vi rút được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, chủng được cho có tiềm năng kháng vắc xin mạnh hơn. Cùng ngày, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador xác nhận đã mắc Covid-19.
H.G

Thuốc điều trị HIV/AIDS cũng đã được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) hồi tháng 10.2020 phát hiện thuốc điều trị HIV/AIDS không có tác dụng đối với bệnh nhân Covid-19.

Ngoài ra, thuốc thử nghiệm remdesivir từng được phê chuẩn hoặc cho phép sử dụng khẩn cấp để điều trị Covid-19 ở khoảng 50 quốc gia trong năm 2020. Vào tháng 11.2020, WHO đưa ra khuyến nghị không dùng thuốc remdesivir để điều trị Covid-19 vì không có bằng chứng nào cho thấy thuốc này giúp giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cho bệnh nhân. Trước đây, remdesivir từng được thử nghiệm trên bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola nhưng thất bại.
Ngoài ra, Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương từ bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục để điều trị dựa trên các kết quả nghiên cứu sơ bộ đầy hứa hẹn, theo BBC. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để xác định mức độ hiệu quả của liệu pháp này.
Trong diễn biến khác, WHO đã cảnh báo nguy cơ các nước giàu có đang tích trữ quá mức vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, có một tin tốt là WHO và Hãng dược Pfizer (Mỹ) vừa đạt được thỏa thuận cung cấp 40 triệu liều vắc xin Covid-19 cho chương trình vắc xin toàn cầu Covax.
PHÚC DUY
TNO