Những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy hệ thống chiến hào quy mô lớn, trải dài hàng chục kilomet ở
Libya đã được đào bởi
lính đánh thuê thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga.
Theo CNN, điều này gây lo ngại rằng các chiến binh nước ngoài đã không rút khỏi quốc gia Bắc Phi này trước ngày 23.1 như thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, đạt được hồi tháng 10.2020.
Hệ thống chiến hào phức tạp
Giới chức Mỹ lo ngại rằng hệ thống chiến hào thể hiện mục tiêu lâu dài của lính đánh thuê thuộc Wagner Group. Một quan chức tình báo Mỹ lưu ý rằng Wagner là lực lượng nước ngoài đông nhất ở Libya.
Hệ thống chiến hào trải dài hàng chục kilomet từ vùng ven biển phía nam gần Sirte đến khu vực do Wagner kiểm soát ở al-Jufra, cùng với nhiều hệ thống công sự phức tạp, có thể thấy rõ qua hình ảnh vệ tinh. Chính phủ Nga chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
Nội chiến Libya
Kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào
tình trạng chia năm xẻ bảy. Hiện 2 thế lực lớn nhất là GNA kiểm soát khu vực tây nam đất nước cùng thủ đô Tripoli, còn LNA thành lập một chính quyền song song ở phía đông.
GNA do Liên Hiệp Quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi LNA của tướng Khalifa Haftar được Nga và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ủng hộ. Theo Liên Hiệp Quốc, mâu thuẫn gần đây tại Libya đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Vào tháng 10.2020, được Liên Hiệp Quốc làm trung gian, các bên đạt
thỏa thuận rút lui tất cả các lực lượng nước ngoài khỏi Libya nhằm xây dựng lòng tin.
Giới phân tích cho rằng chiến hào và công sự dường như được thiết kế nhằm ngăn chặn việc tấn công bằng đường bộ của GNA nhằm vào các khu vực LNA kiểm soát ở phía đông. GNA đã đăng các hình ảnh máy xúc và xe tải đào đất dọc theo hệ thống chiến hào, đồng thời cho rằng việc xây dựng chỉ mới tiếp diễn trong vài tháng gần đây.
Hệ thống công sự dọc theo chiến hào ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN
|
Hệ thống chiến hào dường như có hơn 30 cứ điểm phòng thủ đào tại sa mạc hoặc sườn núi, trải dài khoảng 70 km.
Nguy cơ chiến tranh kéo dài
Quan chức tình báo Mỹ cho rằng hệ thống chiến hào trên là một lý do nữa khiến “chúng tôi không thấy ý định hay động thái nào từ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga tuân thủ thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Điều này có nguy cơ làm lệch đi một tiến trình hòa bình và dừng bắn vốn đã mong manh. Sẽ là một năm khó khăn trước mắt”.
Bộ trưởng Quốc phòng Salaheddin Al-Namroush của chính quyền GNA nhận định: “Tôi không cho rằng có người đào hào vào hôm nay lại sắp rời đi sớm”.
Tương tự, chuyên gia Claudia Gazzini thuộc tổ chức International Crisis Group cho rằng chiến hào là dấu hiệu rất đáng lo ngại, đồng thời cho hay các nhà ngoại giao đã trao đổi về điều này trong vài tuần qua. “Điều đó vẫn tiếp diễn và cho thấy Moscow quyết củng cố hiện diện ở Libya”, bà nhận định.
Nhiều máy xúc và xe tải được cho là đã tham gia đào hào trong thời gian gần đây ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN
|
Giới phân tích cho rằng Kremlin muốn tăng cường hiện diện quân sự và ảnh hưởng ở vùng Địa Trung Hải, dọc theo hành lang phía nam của các nước NATO, bên cạnh việc tham gia và hưởng lợi từ ngành công nghiệp dầu khí của Libya.
Quan chức tình báo Mỹ cho rằng số
lính đánh thuê ở 2 phe GNA và LNA đều khá ổn định và ước tính có khoảng 10.000 lính đánh thuê hiện đang ở Libya.
Thiếu tướng Khaled al-Mahjoub thuộc LNA xác nhận về sự tồn tại của hệ thống chiến hào, nhưng cho rằng đó chỉ là những bờ hào cát tạm thời, nằm ở nơi trống trải giúp phòng thủ và chiến đấu. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này bác bỏ sự hiện diện của 2.000 lính đánh thuê Wagner hỗ trợ LNA.
KHÁNH AN
TNO