24/12/2024

Câu chuyện giáo dục: Những đề văn với ngữ liệu thời sự, chạm vào trái tim

Câu chuyện giáo dục: Những đề văn với ngữ liệu thời sự, chạm vào trái tim

Những năm gần đây, đề thi văn tốt nghiệp THPT, thi chuyển cấp, thi học sinh (HS) giỏi, thi học kỳ ở một số địa phương đã đổi mới rất đáng kể, nhất là ở TP.HCM.
Thí sinh vui vẻ trao đổi về đề thi môn văn lớp10 kỳ tuyển sinh năm 2020 /// Nguyễn Loan
Thí sinh vui vẻ trao đổi về đề thi môn văn lớp10 kỳ tuyển sinh năm 2020 NGUYỄN LOAN
Những đề thi văn mang tính thời sự, hơi thở cuộc sống nên truyền được cảm hứng văn chương và sự sáng tạo của HS. Ngữ liệu từ báo chí được đưa vào đề thi khá nhiều, đặc biệt đề thi cấp tỉnh, cấp quốc gia… là điều đáng ghi nhận vì mang tính thời sự, sát với thực tế cuộc sống.
Chẳng hạn trong kỳ thi kiểm tra học kỳ 1 năm học 2016 – 2017 dành cho khối 10 Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, phần đọc hiểu đã trích dẫn bài viết Miền Trung quê tôi! của tác giả Quỳnh Trang đăng trên Thanh Niên (số 298, chủ nhật, 23.10.2016). Đề kiểm tra đã “đánh thức” HS về tinh thần tương thân tương ái, một miếng khi đói bằng một gói khi no cũng như tinh thần lạc quan của người dân vùng bão lũ vượt qua những khó khăn vốn năm nào cũng xảy ra.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 – 2021 tại TP.HCM, một kỳ thi đặc biệt “hậu Covid-19” cũng lấy ngữ liệu từ báo chí. Đây là một đề thi rất thú vị và kiểu ra đề mới nhất trong các đề thi mới trong những năm gần đây. Thú vị ở chỗ, tất cả các câu hỏi ở phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học kết hợp thành một “đề văn hoàn hảo” về chủ đề lắng nghe. Đề thi tuyển sinh này cũng lấy thông tin tổng hợp từ Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Sự kết hợp này góp phần mang một màu sắc mới mẻ cùng với nội dung văn bản rất hay, ý nghĩa.
Hay đề thi học kỳ 1 vừa qua của Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình (TP.HCM) với phần đọc hiểu (3 điểm) và bài nghị luận xã hội – viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi (3 điểm) với nội dung liên quan đến bão lũ miền Trung (ngữ liệu từ Báo Tuổi Trẻ). Các câu hỏi này vừa hay vừa tầm học sinh. Mỗi câu hỏi là một bài học quý để HS “ngẫm” trong quá trình làm bài.
Đó là ba trong rất nhiều đề thi lấy ngữ liệu từ báo chí vừa “tươi” vừa mang giá trị thông tin, giáo dục cao, thoát khỏi ngữ liệu mà nhiều người gọi là “kinh điển” – sách giáo khoa, sách tham khảo…
Những đề thi văn như vậy vừa hay vừa rất phù hợp để HS thoát khỏi văn mẫu, cũ rích, hàn lâm, sáo rỗng. HS thỏa mãn viết lên điều mình muốn nói, có nhiều bài học quý trong quá trình nghĩ, viết, cảm nhận và thực hành trong đời sống.
THÁI HOÀNG
TNO