24/12/2024

Bước đi ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Biden

Bước đi ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị mới với lãnh đạo của các đồng minh truyền thống về sự thay đổi chính sách trong chính quyền mới.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng /// Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ẢNH: REUTERS

Liên lạc với láng giềng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau là lãnh đạo quốc tế đầu tiên nhận được điện thoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong cuộc gọi kéo dài khoảng 30 phút hôm qua, hai nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề như đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế, quốc phòng cho đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điểm nhấn của cuộc gọi được cho là việc chính quyền mới của Mỹ sau khi nhậm chức đã ra lệnh ngừng dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL. Theo AFP, dự án dẫn dầu từ tỉnh bang Alberta của Canada đi xuyên nước Mỹ xuống tận vùng bờ biển bang Texas ở vịnh Mexico, được Canada và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ vì tạo ra việc làm và đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden và các nhà hoạt động môi trường phản đối dự án này vì tác động đến môi trường cũng như đi ngược lại mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

“Luận tội cựu Tổng thống Trump là sự trả thù”

Thượng nghị sĩ John Cornyn của đảng Cộng hòa hôm qua cho rằng nỗ lực luận tội cựu Tổng thống Donald Trump là hành động “thù oán” và có thể tạo tiền lệ xấu về sau. “Nếu việc luận tội và xét xử các cựu tổng thống là ý hay, vậy điều gì sẽ xảy ra với các cựu tổng thống đảng Dân chủ khi đảng Cộng hòa chiếm thế đa số vào năm 2022?”, ông Cornyn viết trên Twitter, nhắn nhủ trực tiếp đến lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer.
Ông Schumer trước đó thông báo các bên sẽ có 2 tuần để chuẩn bị cho phiên xét xử tại Thượng viện vào ngày 8.2. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người thân cận với ông Trump, cho rằng việc luận tội cựu tổng thống là vi hiến và cảnh báo hành động này sẽ gây tổn hại đến đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, một số thành viên đảng Dân chủ lo ngại phiên xét xử sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của Tổng thống Biden và đang cân nhắc áp dụng Tu chính án 14 để ngăn ông Trump tái tranh cử. Theo tờ The Hill, Tu chính án 14 cấm quan chức tái tranh cử nếu tham gia hoạt động nổi loạn chống lại hiến pháp và chỉ cần đa số thành viên quốc hội thông qua, thay vì 2/3 thành viên quốc hội ủng hộ như việc luận tội. Ngày 25.1, Hạ viện sẽ gửi điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden thừa nhận sự thất vọng của Thủ tướng Trudeau đối với quyết định ngừng dự án, nhưng nói nếu để tiếp tục sẽ không nhất quán với kế hoạch kinh tế và khí hậu của chính quyền mới. Trong khi đó, Thủ tướng Trudeau thông báo trước cuộc gọi rằng sẽ không để những bất đồng về dự án Keystone gây căng thẳng cho mối quan hệ Canada – Mỹ, theo AP.

Cùng ngày, Tổng thống Biden điện đàm với người đồng cấp Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, chủ yếu thảo luận về chính sách di trú tại khu vực. Ông Biden trình bày kế hoạch giảm người nhập cư bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, đồng thời ưu tiên đảo ngược chính sách nhập cư “hà khắc” của chính quyền tiền nhiệm.

Cam kết với đồng minh

Sau Canada và Mexico, Thủ tướng Anh Boris Johnson là lãnh đạo quốc tế thứ ba và là lãnh đạo đầu tiên của châu Âu điện đàm với Tổng thống Biden. Thể hiện sự sốt sắng trong việc tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do sau khi rời khỏi EU, Thủ tướng Johnson nhắc lại mong muốn giải quyết các vấn đề thương mại với Mỹ sớm nhất có thể và thảo luận về lợi ích của thỏa thuận thương mại tự do song phương. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền mới của Mỹ gần đây thông báo rằng sẽ ưu tiên cho việc đầu tư trong nước trước khi ký thỏa thuận thương mại tự do mới.
Mặt khác, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về mối quan hệ hợp tác an ninh – quốc phòng, vai trò của NATO và các chính sách chung về Trung QuốcIran và Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua cũng lần đầu điện đàm với người đồng cấp các nước Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc từ khi được phê chuẩn vào hôm 22.1. Trong các cuộc gọi, ông Austin nhấn mạnh mối quan hệ an ninh của Mỹ với các đồng minh này và cam kết sẽ làm việc để tăng cường gắn kết.
VI TRÂN
TNO