Giám đốc của một tập đoàn
kinh doanh dịch vụ
giải trí, du lịch kể, trong một lần đi công tác lên Mộc Châu (Sơn La), tình cờ được thưởng thức món mận dẻo bỏ hạt tẩm mật ong sấy rất ngon. Cô tìm đến tận cơ sở sản xuất tìm hiểu mới hay, đó là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sơn La, được chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) từ mấy năm qua. Ngay lập tức, cô quyết định chọn đưa sản phẩm này về thuyết phục ban lãnh đạo tập đoàn đưa vào phục vụ du khách trong chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các khu vui chơi giải trí của tập đoàn. “Trước đây mấy món ăn chơi trong hệ thống của chúng tôi có mận dẻo của Mỹ nhưng mận Việt vị ngon hơn, giá rẻ hơn vì thế phải ủng hộ hàng nội chứ”, cô nhận xét.
90% sản phẩm bán Tết trong siêu thị là hàng Việt
Thực tế, không chỉ hộp mận dẻo Mộc Châu nói trên, rất nhiều món ngon được làm từ
nông sản Việt tại nhiều địa phương trên cả nước, đã được chăm chút mẫu mã đến từng chi tiết nhỏ nhất, đang được nhiều
người Việt “lùng mua” biếu tết. Đó là những lọ phấn hoa, sữa ong chúa Behoney, những hộp mật ong đựng trong từng gói nhỏ giống như sản phẩm cà phê hòa tan Behonex. Hoặc những mẫu giỏ quà tết “đầu cơ nghiệp” của
Phiên chợ Xanh tử tế do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ
doanh nghiệp (BSA) hỗ trợ giới thiệu cho nhiều doanh nghiệp được làm từ các sản vật bản địa, từng đoạt giải sáng tạo khởi nghiệp nông nghiệp như: đậu phộng truyền thống, mứt sơ ri, khô bò xông khói, khô gà lá trúc, tỏi gà sả ớt… song các nhà sản xuất chăm chút, khoác áo mới cho sản phẩm với chủ đề “duyên lành” và “thịnh vượng”.
Tác động từ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được nhiều người ủng hộ trong những năm qua và dần dần có niềm tin vào hàng Việt hơn trước
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, như mọi năm, hàng hóa tết chiếm hơn 90% là hàng Việt. Chiều 21.1, trao đổi với chúng tôi, đại diện hệ thống siêu thị này cho hay từ đầu tháng 12.2020, hệ thống đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên gần 5.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Theo ghi nhận của chúng tôi, các loại thực phẩm như mứt và gia vị, lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ tết… đang được người tiêu dùng tăng mua nhẹ. Riêng những giỏ quà tết với dịch vụ giao hàng miễn phí của hệ thống siêu thị này đã bắt đầu tăng từ giữa tháng 1 và dự báo kéo dài đến ngày đưa ông Táo.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương (TP.HCM) nhận xét đặc sản tết năm nay vẫn luôn đa dạng phong phú các loại trà, cà phê, snack các loại đậu, hạt, mứt trái cây… Điều ấn tượng nhất là 100% hàng Việt được làm chăm chút, chuyên nghiệp và rất có tâm. Chẳng hạn, trong các giỏ quà được giới thiệu tại các phiên chợ xanh tử tế, các loại mứt trái cây có chứng nhận được làm từ trái quả organic, có giá trị dinh dưỡng cao, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… “Thực tế, hàng Việt ngon, đẹp, mẫu mã mộc mạc sang trọng là điểm cộng rất lớn, người ta ăn hay biếu cũng cần “ăn bằng mắt”, không chỉ là chuyện ngon mà thôi”, vị này chia sẻ.
Hàng Việt hoàn toàn đạt được độ “xa xỉ” nếu nhà sản xuất biết cách chăm chút và làm đàng hoàng ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Hàng Việt xa xỉ không khó
Trở lại với câu chuyện nữ giám đốc kể trên, thật ra, đó chỉ là một trong vô vàn mẩu chuyện nhỏ, đầy cảm động mà chúng tôi được nghe kể lại từ những nhà quản lý, những người sành ăn, tinh tế và có tình cảm, khát khao nâng hàng Việt lên tầng cao mới. Nhà thiết kế mẫu mã bao bì Nguyễn Thị Xuân Yến, đại diện Công ty Trà Quế, cho rằng nếu biết cách làm, rất nhiều sản phẩm Việt được “nâng lên tầm cao mới”. Sang trọng, tinh tế và người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn để mua. Ngay với thực phẩm cũng vậy, ngoài bao bì, khi một cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến đưa ra thông điệp là không có hóa chất, không chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, nguyên liệu hoàn toàn organic… là đã có tư duy đưa sản phẩm Việt trở thành mặt hàng sang trọng, xa xỉ đúng nghĩa của nó.
Tết là dịp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú khuyến nghị: “Tết là dịp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp từ nhà sản xuất đến bán lẻ rất tốt. Làm thế nào để sau dịp tết, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn lựa sản phẩm của anh để sử dụng chứ không phải chỉ mua mỗi một lần rồi họ bỏ đi. Vì vậy không thể giữ tâm lý làm ăn ngắn hạn, chỉ cần bán được hàng mùa tết mà đó là việc lâu dài, bán hàng quanh năm nên phải luôn đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý”.
Chị Nguyễn Thái Trang, doanh nhân trong ngành hàng thời trang, nhận xét: “Người tiêu dùng nay rất nhạy cảm với hàng hóa. Đừng nghĩ người Việt có tư duy chuộng hàng ngoại vì không tin tưởng vào hàng Việt. Suy nghĩ đó xưa rồi. Nay bạn bè của tôi thích uống rượu vang Đà Lạt, nhâm nhi hạt đậu phộng Tân An và thích thú với việc mặc bộ vest của các nhà thiết kế trong nước. Mới đây, loại mật hoa dừa của Sokfarm mà tình cờ tôi được một người bạn giới thiệu, thấy ngon, đẹp không thua gì của Manuka mà giá thấp chỉ bằng 1/5 giá mua ở nước ngoài”.
Không phải đến năm nay chúng ta mới nói đến hàng Việt chất lượng cao. Câu chuyện hàng Việt tốt, giá tốt, chất lượng đã được đề cập từ rất lâu. Thế nhưng, khi
thế giới phẳng, hàng hóa đến đi quá nhiều, đôi khi người tiêu dùng không kịp dừng lại để ngắm nghía hoặc so sánh, cứ mặc định mua hàng ngoại cho an toàn. Thì nay, theo bà Trang, “sau một năm trải qua đại dịch, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người Việt rất khác. Họ chuộng hàng hóa vị tự nhiên, mộc, không có gia vị tẩm ướp nhiều, mẫu mã tinh xảo… hơn. Dường như trong đại dịch, người tiêu dùng đã có thời gian hơn để nhìn lại mình và nhìn thị trường quanh mình”. Cũng theo vị này, hàng Việt hoàn toàn có thể đạt đến mức độ xa xỉ nếu nhà sản xuất thật tâm muốn làm và làm đàng hoàng.
Không tăng giá vào dịp Tết
Với hàng hóa tết, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ do tình hình dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cung cấp hàng hóa, nên siêu thị đã chủ động lên phương án dự trữ hàng từ rất sớm. Đặc biệt, đơn vị này cũng đã có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 – 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, nhất là nhóm hàng thực phẩm… Người đứng đầu hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op nhấn mạnh sẽ cố gắng giữ và giảm giá hàng hóa để giảm áp lực mua sắm cho người dân. Hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm tết và đến 10 ngày cận tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Ngoài ra, các hoạt động khuyến mãi cũng bao gồm tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, phiếu quà tặng… cũng sẽ được tổ chức liên tục. Co.opMart dự kiến trong thời gian Tết Tân Sửu sẽ tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm tết của công nhân các khu công nghiệp – khu chế xuất tại TP.HCM và các địa phương.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Group, đơn vị quản lý và sở hữu chuỗi siêu thị GO! BigC thông tin, do ảnh hưởng bởi Covid-19, siêu thị không chủ trương tăng giá bán dịp tết cho dù đầu vào giá tăng nhẹ. Đổi lại, duy trì chương trình giá thấp, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng, áp dụng chính sách “khóa giá” (không tăng – NV) với hơn 10.000 sản phẩm
hàng tiêu dùng nhanh.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận xét, hàng hóa thực phẩm trong nước đang rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được doanh nghiệp chăm chút về hình thức, mẫu mã bao bì được cải tiến rất nhiều. “Nhiều công ty cũng đã chú trọng nghiên cứu, chế biến các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người Việt. Hơn nữa, tác động từ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được nhiều người ủng hộ trong những năm qua và dần dần có niềm tin vào hàng Việt hơn trước”. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, bên cạnh hàng hóa, sản phẩm của nhà sản xuất thì dịp tết, các đơn vị phân phối, bán lẻ cũng phải tăng cường các kênh bán hàng, phục vụ chu đáo và chọn lựa sản phẩm chất lượng. Bởi thái độ phục vụ, quầy kệ trưng bày hàng hóa sạch đẹp… cũng góp phần thu hút người dùng.