Hoà đông, công tây
Hoà đông, công tây
Tiền đề cho luật này là sự hiểu biết chung giữa hai nước đạt được từ năm 2020. Luật quốc tế quy định vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển là 12 hải lý. Theo đó, bộ luật mới của Hy Lạp là bình thường. Vấn đề ở đây là bộ luật này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tán đồng bởi nó tạo tiền lệ pháp lý cho việc phân định ranh giới trên biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp mà nếu áp dụng mô hình phân định này thì Hy Lạp được lợi rất nhiều trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bị bất lợi.
Sau thời gian dài ngưng trệ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã thỏa thuận nối lại đàm phán về phân định ranh giới trên biển Aegean vào ngày 25.1. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà quốc hội Hy Lạp thông qua bộ luật trên ngay trước khi đàm phán được khởi động lại và Hy Lạp cho biết việc thông qua bộ luật trước hết để tạo cơ sở pháp lý chứ chưa đề cập việc thực hiện cụ thể và thời gian.
Mục đích chính của Hy Lạp là vừa hòa giải với Albania trong chuyện phân định ranh giới ở vùng biển chung lại vừa dùng đúng mô hình giải pháp để tạo thế và gia tăng áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận với Albania giúp Hy Lạp có thêm đồng minh về pháp lý ở chính vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, bộ luật này còn định hướng cho quan điểm của phía Hy Lạp trong đàm phán tới đây với Thổ Nhĩ Kỳ.
PHẠM LỮ
TNO