24/11/2024

Để trường đại học ‘đẻ’ ra tiền

Để trường đại học ‘đẻ’ ra tiền

Khi có phòng thí nghiệm riêng bên ngoài, PGS.TS Vũ Ngọc Pi cùng đồng sự không còn phải xếp hàng chờ đợi ở trường. Nhờ phòng thí nghiệm này mà lượng bài báo quốc tế của nhóm tăng mạnh, nghiên cứu không còn nằm trên giấy mà có cơ hội sinh lời.

 

Để trường đại học đẻ ra tiền - Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm của PGS.TS Vũ Ngọc Pi và đồng sự- Ảnh: LINH NGUYỄN

Năm 2018, thầy Vũ Ngọc Pi, hiệu phó Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên, thành lập nhóm nghiên cứu gồm 20 thành viên, trong đó có 10 tiến sĩ, phó giáo sư đến từ nhiều trường đại học. Sau đó nhóm đã tự bỏ tiền túi hơn 2 tỉ đồng đầu tư một phòng thí nghiệm ngoài trường đại học.

Phải thoát khỏi đào tạo, nghiên cứu viển vông

Phòng thí nghiệm ngoài khuôn viên trường đại học của thầy Pi và các đồng sự giúp nhóm nghiên cứu của trường công bố được 22 bài báo quốc tế năm 2018, 25 bài năm 2019 và 30 bài vào năm 2020. Nhiều nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án nhờ sự hỗ trợ kinh phí của phòng thí nghiệm này.

Thầy Pi cho biết  Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên đã tạo cơ chế mở, khuyến khích nhóm liên kết với doanh nghiệp mở phòng thí nghiệm, cấp kinh phí cho nhóm thông qua các đề tài, có thưởng khi nhóm có công bố quốc tế. Nhóm cũng chủ động thiết kế nghiên cứu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm.

“Nếu trước kia đào tạo chưa sát với thực tế, nghiên cứu còn dựa trên nhiều ý tưởng viển vông thì ngày nay muốn phát triển bền vững, cả đào tạo và nghiên cứu phải bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội” – GS.TS Phạm Hồng Quang, giám đốc ĐH Thái Nguyên, chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu mạnh về cơ điện tử ứng dụng của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên đã có sản phẩm vượt qua vòng thử nghiệm của Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, sẵn sàng để chuyển giao công nghệ.

“Thay vì ngồi ở trường nghĩ đề tài nghiên cứu, chúng tôi làm ngược lại là hỏi doanh nghiệp cần gì rồi mới bắt tay nghiên cứu. Đó mới là lối thoát cho nhóm nghiên cứu của trường đại học” – PGS.TS Phạm Thành Long, trưởng nhóm, chia sẻ kinh nghiệm.

Khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

Đại học là khu vực tập trung trí tuệ cao nhưng lại chưa thể thu lợi nhuận từ nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp cần giải pháp kỹ thuật, công nghệ cũng chưa tìm đến khu vực đại học. Nếu không thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học và tìm cách ứng dụng các nghiên cứu đó vào thực tế thì, như chia sẻ của một giáo sư, “Việt Nam sẽ lại tiếp tục sản xuất ốc vít mà thôi”.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng nghị định nhằm “cởi trói” cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Nhà nước khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích các cơ sở này phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hợp tác về khoa học công nghệ với doanh nghiệp để cùng khai thác tài sản trí tuệ, chia sẻ lợi ích.

Cách đây 17 năm GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM, đã bàn về phát triển khoa học công nghệ trong các trường đại học. Ông cho rằng với một nước đang phát triển như Việt Nam thời gian đầu vẫn cần nhập khẩu máy móc, thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn từ nước ngoài, “tự làm một số”, “mua một số” rồi từng bước nâng dần trọng số của phần tự làm.

Theo ông, nếu để chọn chiến lược thì cần phải trả lời những câu hỏi sau: Chúng ta cần xác định chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn gì trong tương lai? Và làm thế nào để đi đến đó?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng chung quan điểm với GS Phạm Phụ.

Ông Thắng cho rằng Nhà nước cần có định hướng để các nhà khoa học căn cứ vào đó đẩy mạnh hướng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm hữu ích: “Cần hơn những giải pháp áp dụng được ngay, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xu hướng nên là Nhà nước, doanh nghiệp, thành phố cần gì thì đặt hàng các nhà khoa học, như thế mới tránh lãng phí”.

PGS Trần Xuân Tú, viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định nhóm nghiên cứu mạnh của trường đại học vừa phải đảm bảo tính hàn lâm với những nghiên cứu tầm nhìn 10 năm, vừa phải ra được các nghiên cứu có tính ứng dụng. Do đó rất cần sự định hướng của Nhà nước để sao cho nghiên cứu của nhà khoa học sát với nhu cầu phát triển xã hội.

Nghiên cứu gắn với khởi nghiệp

PGS Vũ Văn Tích, trưởng ban khoa học công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng trong một thời gian dài nước ta tổ chức trường đại học như những trường giảng dạy (Teaching university). Giờ luật đã định hướng phát triển đại học nghiên cứu (Research university), do đó với các nhóm nghiên cứu trong trường đại học rất cần một chiến lược đầu tư để các nhóm này có thể phát triển theo đúng nghĩa của các đại học.

“Nhà nước nên chấp nhận đầu tư cho hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học là hoạt động đầu tư rủi ro. Nếu Chính phủ quan tâm đầu tư, sẽ nở rộ phong trào phát triển nhóm nghiên cứu mạnh gắn với khởi nghiệp, và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái quốc gia, nhiều nhóm nghiên cứu khởi nghiệp sau này có thể phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là hướng đi đúng, tạo nền tảng phát triển cho đất nước” – ông Tích nói.

Nhóm nghiên cứu mạnh

Nhóm nghiên cứu mạnh là nhóm được dẫn dắt bởi một nhà khoa học có uy tín, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên. Trưởng nhóm không chỉ là người thiết kế hướng nghiên cứu mà còn phải là người thu hút được nhiều đề tài cho nhóm, tạo kết nối với các doanh nghiệp để nghiên cứu của nhóm có thể đưa vào thực tiễn.

NGỌC DIỆP
TTO