23/11/2024

Sử dụng thiết bị sưởi ấm như thế nào để không ảnh hưởng hệ hô hấp?

Sử dụng thiết bị sưởi ấm như thế nào để không ảnh hưởng hệ hô hấp?

Mùa đông trong nhà với đầy đủ các thiết bị sưởi ấm như máy điều hòa, quạt sưởi…, bạn đã biết cách sử dụng như thế nào để những máy móc này không ảnh hưởng tới hệ hô hấp của các thành viên trong gia đình chưa?
Thiết bị sưởi cần được đặt trên mặt phẳng thăng bằng, ổn định /// Ảnh: Shutterstock
Thiết bị sưởi cần được đặt trên mặt phẳng thăng bằng, ổn định ẢNH: SHUTTERSTOCK
Sau đây là những nguyên tắc bạn cần lưu ý khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong nhà.

Nhiệt độ phù hợp cho máy điều hòa

Khi ngoài trời có nhiệt độ dưới 15 độ C, hãy đặt máy điều hòa ở mức 20 – 22 độ C, đây là nhiệt độ phù hợp nhất không làm khô lớp nhầy trên bề mặt của niêm mạc mũi họng.
Khi bạn từ trong nhà đi ra ngoài trời dưới 15 độ C, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên trong và bên ngoài sẽ khiến lớp thảm nhầy của đường hô hấp trên không kịp biến đổi, thích nghi, làm cho mũi bạn bị căng tức, cuống mũi dưới nở ra làm bạn rất ngột ngạt, bạn sẽ tự ngoáy mũi, dụi mũi để làm giảm cảm giác căng tức. Việc này sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi, viêm mũi hoặc viêm xoang, viêm họng, thậm chí mất tiếng.
Bên cạnh đó, cần lưu ý về độ ẩm, đặt một chậu nước trong phòng để giữ độ ẩm hợp lý, nhằm tránh bị khô niêm mạc đường hô hấp sẽ dẫn đến cảm giác khó chịu.
Khi mức nhiệt ngoài trời quá thấp, khoảng dưới 7 độ C, thì hiệu quả của chế độ sưởi trên điều hòa giảm. Bạn nên sử dụng các thiết bị làm ấm trực tiếp khác như quạt sưởi, máy sưởi dầu, đèn sưởi.

Lưu ý khi sử dụng thiết bị sưởi

1. Bảo đảm an toàn
Khoảng cách an toàn (nhất là nhà có trẻ nhỏ) giữa thiết bị và người là khoảng 1,5 m. Khoảng cách này sẽ không làm khô lớp nhầy trên bề mặt đường hô hấp, không kích thích các tuyến tại đường hô hấp tăng tiết, không gây khô da và không hại mắt.
Hạn chế đồ vật để xung quanh hoặc quá gần với thiết bị sưởi; đặc biệt là quần áo, khăn, màn…, những vật dụng dễ cháy. Tránh để đồ vật chặn những phần làm nóng, đường khí vào ra nhằm hạn chế việc cháy nổ.
Không đặt thiết bị lên ghế, giường, những vị trí dễ bị đổ, các đường khí dễ bị chặn. Dù có tính năng tự động ngắt điện trong những trường hợp này nhưng cũng không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Cần đặt thiết bị sưởi ở mặt sàn, mặt bàn hay mặt phẳng thăng bằng, ổn định.
Không đặt thiết bị sưởi ở nơi ẩm ướt, nơi có nhiều nước để tránh sản phẩm bị chập mạch, rò rỉ điện.
Thiết bị sưởi cũng có thời gian sử dụng hạn định của chúng, không nên sử dụng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Khi thiết bị sưởi vận hành quá lâu, các máy móc bên trong dễ bị quá tải, các bộ phận bên trong nhanh bị hỏng, giảm độ bền, điện năng hao phí nhiều và quan trọng là không đảm bảo an toàn cho người dùng.
2. Sử dụng trong phòng thông thoáng
Nhiều người nghĩ rằng, nếu phòng kín thì càng đảm bảo độ ấm từ thiết bị sưởi tỏa ra, tránh thoát khí nóng ra ngoài. Điều đó hoàn toàn sai lầm.
Một gian phòng đóng kín, không khí bên trong không lưu thông, khi bạn vào phòng, hít và thở với khí nóng của phòng. Nếu lâu quá 3 tiếng, niêm mạc đường hô hấp của bạn sẽ bị tổn thương do các tuyến tiết dịch dưới lớp thảm nhầy tăng tiết bù lại dịch mất, đồng thời tăng độ quánh của dịch nhầy bên trên, các tế bào đại thực bào mất khả năng bắt tác nhân gây bệnh, khi đó đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh.
Vì thế, cứ khoảng 3 – 4 tiếng, bạn hãy mở cửa chính, cửa sổ hoặc bật quạt thông gió để không khí được lưu thông tốt trong khi sử dụng thiết bị sưởi.
3. Chỉnh nhiệt độ vừa phải
Cũng giống như khi dùng điều hòa, bạn phải điều chỉnh sao cho nhiệt độ điều hòa với nhiệt độ ngoài trời không chênh nhau quá lớn. Nên để từ 22 – 25 độ C là phù hợp. Bởi không khí quá khô nóng dễ ảnh hưởng tới hệ hô hấp.
4. Đặt một chậu nước
Mùa đông của nước ta thường hanh khô, không khí bị đốt nóng liên tục trong phòng rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vậy nên việc tăng độ ẩm để tạo sự cân bằng cho không khí là rất cần thiết, bởi đa số các thiết bị này đều không có bộ phận làm ẩm và chỉ có hệ thống làm ấm.
PHAM THỊ BÍCH ĐÀO
TNO