Để có một đề văn hay
Để có một đề văn hay
Đó là nhận định của ông Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM). Theo thầy Đức Anh, một đề thi hay không phải chỉ là đọc qua thấy dễ cảm, có thời sự nóng hổi hợp với thời đại. Để có được đề thi hay, cần sự tích cóp ngữ liệu, tác phẩm, vấn đề thú vị… để khi cần thì đem ra cân nhắc, gọt giũa.
Ông Đức Anh cho rằng để có một đề văn hay đúng nghĩa thì ngữ liệu khi đưa vào cũng phải được nhìn ở nhiều góc độ. Giáo viên phải đặt mình vào tâm thế của học trò để hiểu, có góc nhìn phù hợp, lường trước được những tình huống có thể tốt hay không tốt, những ý tưởng mới hay còn xưa cũ, lối mòn… Thêm vào đó, cần có góc nhìn của người trưởng thành, người có chuyên môn để có sự nhìn nhận vấn đề sâu hơn, đúng với yêu cầu của bộ môn. Không nên cứ chạy theo tính thời sự theo kiểu “đu trend”, cứ thấy thời sự là đưa vào.
“Một đề thi sáng tạo cần câu hỏi khơi gợi chứ không bắt buộc, hỏi theo kiểu có hay không bởi chương trình ngữ văn chỉ có bấy nhiêu tác phẩm, chính giáo viên cũng thấy các vấn đề trong tác phẩm nhìn nhận có khi đã cũ, mòn qua nhiều thế hệ học trò. Vì vậy, cần có cách hỏi mới, yêu cầu các em thể hiện cách nhìn mới”, ông Đức Anh nhận định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nêu ý kiến đề hay là khơi gợi được tính sáng tạo, tư duy hình tượng, cảm xúc của HS, ngữ liệu mới mẻ, giàu tính văn chương.
Theo quan điểm của bà Triệu Thị Huệ, nguyên tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đề hay trước hết phải đúng, hình thành sự sáng tạo, chủ động của học sinh. Ngữ liệu phải đảm bảo tính giáo dục. Câu hỏi phải khơi dậy chủ kiến của học sinh. Hình thức hỏi cần đa dạng, sáng tạo vì nếu quá mòn cũ thì học sinh không hào hứng và sẽ nói lại những điều người khác đã nói. Giáo viên có tâm huyết, trách nhiệm cao phải có sự đầu tư, có sự nghiêm túc với nghề. “Ra đề thi là một hành trình nghiêm túc và thú vị”, bà Huệ nhận định.
BÍCH THANH
TNO