28/12/2024

‘Quyền lực chính trị’ của mạng xã hội

‘Quyền lực chính trị’ của mạng xã hội

Các nền tảng mạng xã hội thể hiện “quyền lực chính trị” khi tự đưa ra quyết cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Màn hình điện thoại cho thấy tài khoản Twitter bị khóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng họp báo của Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C /// Reuters
Màn hình điện thoại cho thấy tài khoản Twitter bị khóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng họp báo của Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C  REUTERS
Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu bắt đầu cảnh giác trước vai trò và tác động của những công ty mạng xã hội đối với nền chính trị và quyền tự do ngôn luận.

Mạng xã hội được tự do kiểm duyệt

Một vấn đề chưa được giải quyết là liệu rằng chính phủ xác định công ty mạng xã hội là nhà xuất bản hay công ty công nghệ. Nếu công ty công nghệ là nhà xuất bản thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung trên các nền tảng của mình.
Vụ đám đông người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào làm loạn ở Điện Capitol hôm 6.1 đã làm sống lại cuộc tranh luận này sau khi Twitter cấm vĩnh viễn và các trang mạng xã hội khác áp đặt hạn chế đối với tài khoản của tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ.
“Dù đúng hay sai, các công ty mạng xã hội như Twitter đã đưa ra một quyết định mang tính chính trị”, chuyên gia Jonathon Hauenschild tại tổ chức phi chính phủ chuyên về chính sách ALEC (Mỹ), nói với tờ The Wall Street Journal.
Thực ra, vấn đề này từng được thảo luận tại quốc hội Mỹ trước đây. Tổng thống Trump nhiều lần đề xuất hủy bỏ Mục 230 của đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông năm 1996. Tuy nhiên, đề xuất của ông Trump không nhận được đủ sự ủng hộ từ Quốc hội.
Theo Mục 230, công ty mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm đối với bình luận, bài đăng của người dùng trên nền tảng của họ. Mục 230 được xem là nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Thậm chí, ông Trump từng phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng thường niên trị giá 740 tỉ USD vì dự luật không bao gồm hủy bỏ Mục 230. Tuy nhiên, quốc hội đã bác bỏ quyền phủ quyết.
Trước thềm chuyến thăm bang Texas ngày 12.1, Tổng thống Trump cũng đã đổ lỗi cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ (gọi là Big Tech) gây chia rẽ đất nước. Ông Trump cảnh báo sẽ có “động thái chống lại” những hành động mới đây của các nền tảng mạng xã hội.
Phản ứng trước diễn biến ở Mỹ, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, từng là Bộ trưởng Văn hóa, cảnh báo: “Rõ ràng các công ty công nghệ tự do chọn ai nên và không nên có tiếng nói trên nền tảng của họ. Đây là vấn đề lớn trong việc quản lý của mạng xã hội”, theo BBC.
Bên cạnh đó, trong bài viết trên Politico, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton lưu ý: “Việc một giám đốc điều hành của công ty công nghệ có thể quyết định khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump mà không cần bất kỳ sự kiểm tra và cân bằng nào là chuyện khó hiểu. Điều này thể hiện rõ quyền lực của mạng xã hội”.
Mặt khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11.1 tin rằng Twitter quyết định đóng vĩnh viễn tài khoản của ông Trump là “có vấn đề” vì mạng xã hội không thể tự can thiệp vào quyền tự do ngôn luận. “Tự do ngôn luận là quyền cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu. Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải thông qua luật và trong khuôn khổ do cơ quan lập pháp xác định, chứ không phải theo quyết định của các công ty mạng xã hội ”, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết, theo AFP.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn ví việc mạng xã hội cấm tài khoản của Tổng thống Trump như “vụ nổ hạt nhân” và là đòn giáng vào “giá trị dân chủ” mà phương Tây quảng bá.

EU tăng cường quản lý mạng xã hội

Ở châu Âu, các nhà xuất bản, chẳng hạn như báo chí, có một số quyền tự do nhất định nhưng cũng phải tuân thủ luật pháp cùng quy định ở Anh và EU. Do đó, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc buộc phải đưa ra thông báo cải chính nếu xuất bản nội dung phân biệt đối xử hoặc bôi nhọ.
Trong những năm gần đây, EU đi tiên phong trong việc quản lý Big Tech, với một số luật mới kèm mức phạt nặng để kiểm soát quyền lực của mạng xã hội, theo đài CNBC. Chẳng hạn, hồi tháng 4.2019, nghị viện châu Âu thông qua dự luật phạt 4% doanh thu toàn cầu đối với những công ty mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter nếu họ không loại trừ nội dung cực đoan.
Tuy nhiên, EU có tham vọng lớn hơn. Gần đây, EU tiếp tục đề xuất quy định mới có thể dẫn đến mức tiền phạt nặng hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của Big Tech. “Luật pháp và tòa án Châu Âu sẽ tiếp tục xác định thế nào là bất hợp pháp đối với nội dung, bình luận, bài đăng – từ khiêu dâm trẻ em, khủng bố cho đến kích động bạo lực và hàng giả, phỉ báng – thông qua quy trình dân chủ cùng biện pháp kiểm tra và cân bằng phù hợp”, ông Breton nhấn mạnh.
Kể từ năm 2018, EU áp dụng luật Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) nhằm bảo vệ người dùng. Theo đó, người dùng các nền tảng trên mạng được quyền biết thông tin cá nhân được thu thập bằng cách nào, mục đích và lý do sử dụng. Hàng loạt đơn kiện chống lại các nền tảng mạng xã hội như Facebook đã được gửi lên tòa chỉ vài giờ sau khi GDPR có hiệu lực vào ngày 25.05.2018. Các công ty công nghệ bị cáo buộc ép người dùng phải đồng ý chấp nhận quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân (targeted advertising) để sử dụng dịch vụ.
PHÚC DUY
TNO