29/12/2024

Trạng thái đối đầu mới ở Biển Đông

Trạng thái đối đầu mới ở Biển Đông

Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông, trong khi giới chuyên gia nhận định chính quyền sắp tới của ông Joe Biden cũng sẽ không nhún nhường Bắc Kinh.
Hải Dương 981 (phía xa) từng xâm phạm chủ quyền VN ở Biển Đông /// Ảnh: Độc Lập
Hải Dương 981 (phía xa) từng xâm phạm chủ quyền VN ở Biển Đông ẢNH: ĐỘC LẬP
Ngày 14.1, cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Thương mại của Mỹ đều có các động thái mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Lên án và trừng phạt Trung Quốc

Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố liên quan vấn đề Biển Đông. Được đăng tải trên website Bộ Ngoại giao, tuyên bố của ông Pompeo nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và việc thực thi theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 ở các vùng biển nói chung và Biển Đông nói riêng.
Qua đó, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã đề cập việc nước này tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp, quan chức Trung Quốc liên quan các hành vi xây dựng trái phép, quân sự hóa một số thực thể mà nước này đang kiểm soát trái phép ở Biển Đông.

Rút kinh nghiệm về quan hệ với Trung Quốc

Trạng thái đối đầu mới ở Biển Đông - ảnh 1

Ông Kurt Campbell  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE

Kurt Campbell là quan chức ngoại giao Mỹ từng bị Trung Quốc qua mặt trước đây, trong vụ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Cụ thể, tham gia đàm phán nhằm xoa dịu tình hình, ông Campbell được phía Bắc Kinh hứa sẽ xem xét rút lực lượng khỏi khu vực Scarborough nếu phía Philippines rút lui. Nhà ngoại giao Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ rút lui nên thúc giục Philippines xuống thang trước.

Tuy nhiên, ông đã “nhầm” giữa việc Trung Quốc hứa xem xét rút lui với hứa rút lui. Hậu quả, Manila rút lui nhưng Bắc Kinh thì không. Từ sau đó đến nay, Philippines đã mất quyền kiểm soát ở Scarborough và Trung Quốc đã thế chân. Diễn biến này khiến cho Manila nhìn nhận như một sự phản bội từ Washington và không thực thi theo Hiệp ước phòng thủ tương hỗ Mỹ – Philippines.
Vì thế, ông Barack Obama sau đó phải trấn an Manila rằng Washington sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động gây hấn nào của Trung Quốc đối với Philippines. Vì thế, nhà ngoại giao Kurt Campbell có lẽ sẽ rút ra kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan Trung Quốc.
Ông Carl O.Schuster

Đoạn cuối trong tuyên bố nêu: “Mỹ sát cánh với các nước Đông Nam Á đang tìm cách bảo vệ các quyền lợi và chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy rằng Bắc Kinh đã chấm dứt các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông”.

Cùng ngày 14.1, website của Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh trừng phạt Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty Skyrizon cũng của Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt. Trong đó, CNOOC – đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng được điều động xâm phạm chủ quyền VN trên Biển Đông – bị trừng phạt vì giúp chính quyền Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.
Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục có động thái đáp trả các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Thương mại Mỹ ngày 26.8.2020 đã công bố cấm vận 24 công ty nhà nước của Trung Quốc liên quan các hoạt động xây dựng trái phép hạ tầng ở một số thực thể trên Biển Đông. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo cho biết nước này sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Trước đó, website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14.7.2020 cũng đã đăng tải quan điểm chính thức về Biển Đông. Trong đó, thông cáo nêu rõ: “Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt láng giềng mà nước này đang triển khai lâu nay nhằm kiểm soát khu vực”.
Và đầu tháng 6.2020, Ngoại trưởng Pompeo thông báo nước này vừa gửi công hàm lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Kèm theo đó, Washington thời gian qua cũng tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nói chung và Biển Đông nói riêng nhằm phản ứng Trung Quốc.
Trạng thái đối đầu mới ở Biển Đông

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) tập trận trên Biển Đông vào tháng 7.2020   ẢNH: PACOM

Washington muốn Bắc Kinh phải trả giá

Trả lời Thanh Niên ngày 15.1, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Lý do của lệnh trừng phạt CNOOC là nhằm phản ứng lại sự hung hăng của Trung Quốc trong các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. CNOOC hoạt động giống như một cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc. Nên việc chế tài CNOOC là cách áp đặt cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho hành vi sai trái”.
“Đây là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm khiến Trung Quốc phải chịu những thiệt hại kinh tế cho các hành vi gây hấn, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông”, cựu đại tá Schuster nhận định thêm.
Cùng quan điểm, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CNOOC bởi thực tế công ty này đã nhiều lần điều động giàn khoan dưới sự hộ tống của hải cảnh và hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. CNOOC phải chịu trách nhiệm về những hành vi bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh”.
Ông Nagao chỉ ra rằng quyết định trừng phạt nhằm vào CNOOC là một phần trong chiến lược lâu dài của Washington. “Thứ nhất, động thái này thuộc chuỗi nỗ lực của Mỹ thực hiện gần đây dưới thời của Tổng thống Trump. Đó là Washington tiến hành chiến tranh thương mại và thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tập đoàn viễn thông của Trung Quốc như Huawei và ZTE, đồng thời đưa vào danh sách đen trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc với cáo buộc liên quan đến quân đội nước này. Các động thái trên cũng cho thấy Mỹ sẵn sàng giảm bớt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, sẵn sàng đối đầu với những biện pháp đáp trả bằng kinh tế từ Bắc Kinh”.

Mỹ sẽ tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc

Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Trump cấp tập trừng phạt Trung Quốc làm cho chính quyền kế nhiệm khởi đầu trong tư thế đối đầu với Bắc Kinh. Các biện pháp mới nhất của Mỹ là trừng phạt CNOOC, cùng với các biện pháp trừng phạt công ty sản xuất chip Trung Quốc, dỡ bỏ giới hạn trong quan hệ ngoại giao với Đài Loan khiến cho ông Biden khó có thể bẻ ngoặt các chính sách này – vốn có thể dẫn đến bị đánh giá là yếu thế trước Trung Quốc”.
“Có lẽ, ông Trump đang đặt ra giả định rằng ông Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc. Nhưng giả định này có vẻ không đúng khi ông Biden vừa bổ nhiệm ông Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, phụ trách điều phối vấn đề khu vực Indo-Pacific trong Hội đồng An ninh quốc gia và một số đề cử khác cũng xoáy vào việc phát triển liên minh đối đầu với Trung Quốc”, PGS Nagy phân tích và nhận định thêm: “Chúng ta cũng cần nhận ra rằng Biden và đội ngũ của ông coi sự cạnh tranh với Trung Quốc là nghiêm trọng”.
Tương tự, TS Nagao cũng cho rằng: “Chính phủ của Tổng thống tân cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách trên của Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc. Bởi thực tế thì việc trừng phạt Huawei hay ZTE vốn đã được Mỹ đặt ra từ thời Tổng thống Barack Obama, chứ không phải chỉ mới được khởi xướng dưới thời ông Trump”.
Theo ông, cũng dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã đặt ra chiến lược tái cân bằng, chuyển hướng nguồn lực từ các nơi sang khu vực Đông Bắc Á. Chính quyền Trump sau đó cũng tiếp tục tiên phong về Indo-Pacific.
“Cho nên, nhiều khả năng là chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Bằng chứng là mới đây, ông đã đề cử ông Kurt Campbell vào vị trí điều phối các vấn đề Indo-Pacific trong Hội đồng An ninh quốc gia”, TS Nagao nhận xét và đánh giá: “Ông Campbell có nhiều kinh nghiệm về vấn đề châu Á, có nhiều quan hệ tốt với giới chức các nước trong khu vực nên có thể tạo ra sự quan tâm của tân chính quyền đối với khu vực này. Ngược lại, các nước châu Á cũng có một cầu nối để tăng cường quan hệ với chính quyền mới ở Washington”.
Trong quá khứ, ông Campbell được cho là kiến trúc sư cho chiến dịch xoay trục sang châu Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong suốt nhiều năm, ông Campbell đã có quan hệ sâu rộng với nhiều nước châu Á và là gương mặt quen thuộc với khu vực.
Chính vì thế, tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đang tăng cao và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ngay cả khi ông Joe Biden nhậm chức.
NGÔ MINH TRÍ
TNO