29/12/2024

Ấn Độ – Mỹ căng thẳng vì kế hoạch mua tên lửa S-400 của Nga

Ấn Độ – Mỹ căng thẳng vì kế hoạch mua tên lửa S-400 của Nga

Reuters dẫn lời nguồn tin tiết lộ Mỹ cảnh báo Ấn Độ nên từ bỏ kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, nếu không thì có nguy cơ bị cấm vận tương tự Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Ấn Độ muốn sớm sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-400 để đối phó Trung Quốc /// AFP
Ấn Độ muốn sớm sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-400 để đối phó Trung Quốc AFP
Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi Ấn Độ từ bỏ thỏa thuận trị giá 5,5 tỉ USD, mua 5 hệ thống S-400. Các nguồn tin của Reuters cho rằng chính phủ Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ không thay đổi quan điểm này.
Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định cần phải sở hữu S-400 để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên leo thang ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya kể từ tháng 4.2020.
New Delhi nhấn mạnh quyền tự do lựa chọn nhà sản xuất vũ khí. Điều nay có khả năng dẫn đến căng thẳng với chính phủ của ông Biden, theo Reuters.
“Ấn Độ và Mỹ có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nga. Chúng tôi luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Điều này cũng áp dụng đối với việc mua sắm thiết bị quốc phòng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết vào ngày 16.1 khi đề cập đến kế hoạch mua S-400.
Trước đó, chính phủ Tổng thống Trump áp đặt các lệnh cấm vận đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12.2020 theo Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì Ankara phớt lờ cảnh báo từ Washington và đã mua S-400.
Ấn Độ - Mỹ căng thẳng vì kế hoạch mua tên lửa S-400 của Nga - ảnh 1

Sản xuất, lắp ráp hệ thống S-400 tại nhà máy của tập đoàn Almaz-Antey ở St. Petersburg, Nga  INDIATODAY

Người phát ngôn không nêu tên của Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ cho Reuters biết Washington nắm thông tin về kế hoạch mua S-400 của Ấn Độ nhưng Nga vẫn chưa bàn giao.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả đồng minh và đối tác từ bỏ giao dịch với Nga để tránh nguy bị cấm vận theo CAATSA. CAATSA không có bất kỳ điều khoản miễn trừ cho bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào đối với Ấn Độ”, người phát lưu ý.
Bộ Ngoại giao Nga vẫn chưa có phản ứng gì trước thông tin trên. Tuy nhiên, Moscow trước đó lên án các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp và xem thường luật pháp quốc tế.
Theo Reuters, Ấn Độ đã thanh toán trước cho Nga 800 triệu USD vào năm 2019 và dự kiến hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, chính phủ Ấn Độ chuyển hướng sang Mỹ và Israel để mua máy bay quân sự và máy bay không người lái mới.
PHÚC DUY
TNO