24/11/2024

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM 2021: Thay đổi ở đề thi tiếng Anh

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM 2021: Thay đổi ở đề thi tiếng Anh

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay giữ ổn định đổi mới kỳ thi lớp 10 theo lộ trình, từng bước giúp giáo viên và học sinh thích ứng để chủ động đổi mới việc dạy và học.
Học sinh lớp 9 bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
 Học sinh lớp 9 bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiếp tục đổi mới đề thi theo hướng gắn với thực tiễn

Để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh (HS) sau THCS, trung bình hằng năm, các trường THPT công lập tuyển khoảng 70% số lượng HS lớp 9 vào lớp 10. Mỗi năm TP.HCM có khoảng 90.000 HS lớp 9.
Bên cạnh việc phấn đấu có một chỗ học trong trường công thì HS còn phải đạt kết quả để trúng tuyển nguyện vọng theo năng lực và điều kiện gia đình. Bước vào học kỳ 2 song song với việc hoàn tất chương trình lớp 9 thì các trường THCS xây dựng kế hoạch giảng dạy, các chuyên đề kiến thức bám sát theo cấu trúc, yêu cầu, định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT.

Thí sinh dự thi 3 môn

Tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, HS sẽ làm bài thi 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Nếu HS đăng ký nguyện vọng vào trường, lớp chuyên thì thi thêm bài thi môn chuyên theo lớp chuyên đã lựa chọn.
Theo quy định của Sở GD-ĐT, HS có thể đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên vào trường THPT thường và 4 nguyện vọng vào trường, lớp chuyên. Căn cứ vào kết quả bài thi, nguyện vọng đăng ký và chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, Sở sẽ xét tuyển theo kết quả từ trên xuống, HS trúng tuyển nguyện vọng nào sẽ học nguyện vọng đó. Sở sẽ không giải quyết việc thay đổi nguyện vọng.
Tại cuộc họp chuyên môn đầu năm học với lãnh đạo phòng giáo dục, giáo viên (GV) mạng lưới của 24 quận, huyện, ông Lê Duy Tân khẳng định vẫn giữ ổn định đổi mới kỳ thi lớp 10 theo lộ trình, từng bước giúp GV và HS thích ứng để chủ động đổi mới việc dạy và học.
Về đề thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT nói rằng yêu cầu không quá chú trọng vào lý thuyết đơn thuần mà gắn liền với thực hành, kiểm tra khả năng tư duy, nhận biết, vận dụng của HS.
Trong 3 môn thi bắt buộc, môn toán là môn mà HS quan tâm nhiều nhất bởi những bài toán thực tế xuất hiện trong đề thi. Đây là dạng toán mà HS thường gặp khó do đòi hỏi khả năng tư duy. Vì vậy, GV cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy, không chỉ cung cấp kiến thức mà phải dẫn dắt, tích hợp kiến thức thực tế gắn với bài học. Đặc biệt cần chú trọng việc hình thành khả năng tự học, tự nghiên cứu và thúc đẩy phát triển tư duy giải quyết vấn đề. Từ việc học kiến thức nhưng hiểu bản chất sẽ giúp HS có thể giải quyết được các vấn đề tồn tại của cuộc sống ngay cả khi không có GV. Cách thức đổi mới giảng dạy gắn liền với thực tế, ban đầu có thể khiến HS cảm thấy thầy cô đang dạy ít đi nhưng dạy đến đâu chắc đến đó, biết liên hệ, vận dụng nhiều kiến thức, giải quyết nhiều vấn đề…
Riêng môn tiếng Anh, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin đề thi năm nay sẽ tăng từ 36 câu lên thành 40 câu. Ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT cho hay dù tăng số lượng câu nhưng mức độ kiến thức, cấu trúc đề sẽ vẫn trên tinh thần ổn định. Việc tăng số lượng câu hỏi trong đề không phải khiến yêu cầu của đề thi khó hơn mà là đánh giá bao quát việc học của HS. Đề thi vẫn mang tính thực tế, vận dụng kiến thức chứ không đòi hỏi HS học vẹt, học tủ.

Đề thi tiếng Anh thay đổi ra sao ?

Nói về thay đổi trong đề thi tiếng Anh, ông Trần Hữu Thắng, GV Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng có thể số câu hỏi trắc nghiệm tăng từ 12 lên 14 câu. Hoặc trong đoạn văn mọi năm đề yêu cầu điền 4 chỗ trống thì nay có thể là 6 chỗ. Kiến thức sẽ bao quát hơn về từ vựng, ngữ nghĩa, cấu trúc, đàm thoại, giới từ, loại từ… Tăng thêm số lượng câu hỏi nhưng thực chất là chia nhỏ câu hỏi giúp thí sinh dễ kiếm điểm hơn và độ khó dự đoán có thể giảm đi.

Dạy và ôn tập bám sát cấu trúc đề thi

Thông thường, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra ngay sau khi kết thúc năm học nên trong học kỳ 2 này, GV lớp 9 đều thống nhất quá trình dạy lưu ý và nhấn mạnh những phần kiến thức bám sát cấu trúc đề thi. Đề kiểm tra học kỳ 2 sẽ được biên soạn theo cấu trúc của đề tuyển sinh. Việc này giúp HS làm quen với cách thức hình thức thi và kết quả học kỳ 2 sẽ là căn cứ sát thực nhất để phụ huynh và HS có sự lựa chọn nguyện vọng vào lớp 10 phù hợp.
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết sẽ đẩy mạnh việc giảng dạy và ôn tập cho HS cuối cấp. Nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu tăng thêm mỗi môn thi thời lượng 3 tiết/tuần vào buổi học thứ hai trong ngày. Trong kế hoạch giảng dạy, nhà trường khuyến khích GV thực hiện theo hướng mở, dạy học gắn liền với thực tế thông qua dạy học dự án, chuyên đề, nghiên cứu bài học, dạy học theo chủ đề… Đặc biệt, việc đổi mới cũng được nhà trường tăng cường áp dụng trong kiểm tra, đánh giá để có sự đồng bộ, hình thành tư duy năng lực nhận thức vấn đề cho HS.

Từ đó, thầy Thắng khẳng định đề thi không có chỗ đứng cho việc học tủ, học vẹt mà phải nắm chắc từng đơn vị kiến thức. Chẳng hạn, trong chương trình lớp 9, HS cần nắm vững kiến thức câu bị động, câu gián tiếp, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện, cách chuyển đổi thì từ quá khứ sang hiện tại hoàn thành và ngược lại. Thầy Thắng cũng lưu ý, phần mở rộng, nâng cao trong đề thi không xa lạ mà là những kiến thức đã học nhưng yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng tư duy. Những câu hỏi trong phần này nhằm mục đích phân hóa để tuyển HS vào những trường chuyên, trường tốp đầu.

BÍCH THANH
TNO