24/11/2024

Đua nhau mở ngành học mới khối sức khoẻ: Cần kiểm tra chuyên môn một số trường

Đua nhau mở ngành học mới khối sức khỏe: Cần kiểm tra chuyên môn một số trường

Năm nay, nhiều trường ĐH dự kiến mở thêm ngành học mới khối sức khỏe. Có trường chưa bao giờ đào tạo khối ngành này cũng tham gia mở ngành. Hiện tượng này làm dấy lên nỗi lo ngại chất lượng nhân lực ngành y trong tương lai.
Thí sinh làm thủ tục nhập học ở một trường đại học tư thục tại TP.HCM có đào tạo khối ngành sức khỏe /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh làm thủ tục nhập học ở một trường đại học tư thục tại TP.HCM có đào tạo khối ngành sức khỏe ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì sao chỉ phần lớn các trường tư mở ngành ?

Từ tháng 12.2020, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, đã thông tin năm nay trường sẽ mở một số ngành học mới. Cụ thể, với sự đầu tư cho khối ngành sức khỏe trong những năm gần đây, năm 2021 trường dự kiến mở các ngành mới ở khối sức khỏe như y đa khoa, y học cổ truyền… bên cạnh những ngành hiện đã có như răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học.
Giải thích về lý do mở nhiều ngành học khối sức khỏe trong năm nay, tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của xã hội khi tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hiện nay vẫn còn thiếu. Năng lực của các trường y dược hiện nay vẫn còn hạn chế về quy mô, đội ngũ, cơ sở vật chất… Các trường ngoài công lập mở những ngành học này để bù đắp thêm vào sự thiếu hụt đó.
“Quan trọng nhất là việc mở các ngành này ở các trường ngoài công lập phải đảm bảo những điều kiện cụ thể theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT. Các trường ngoài công lập có nhiều điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất, trả lương cao để tuyển giảng viên giỏi… Sắp tới, tất cả các y bác sĩ tốt nghiệp ra trường đều phải có chứng chỉ hành nghề như ở các nước tiên tiến. Nghĩa là sinh viên dù tốt nghiệp ở trường nào đều phải thi lấy chứng chỉ này, đáp ứng một chuẩn chung để đi hành nghề”, tiến sĩ Tuấn chia sẻ.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cũng cho biết trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021, trường sẽ tuyển nhiều ngành học mới, trong đó có 8 ngành thuộc khối sức khỏe. Cụ thể, trường sẽ tuyển mới các ngành: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện, bất động sản, kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học y dược, tâm lý học, quản trị sự kiện, quan hệ công chúng, giáo dục tiểu học, quản lý giáo dục.
Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, lý do Ban lãnh đạo nhà trường quyết định tuyển mới các ngành học này dựa vào nhu cầu của xã hội. Mùa tuyển sinh 2020, các ngành khối sức khỏe trước đó của trường có rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đầu năm 2021, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết năm nay trường dự định mở 11 ngành mới với 4 ngành học khối sức khỏe: răng hàm mặt, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật y sinh. Đáng lưu ý là trường này chưa từng đào tạo khối ngành sức khỏe trước đây.
Giải thích về lý do mở các ngành sức khỏe, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho biết một trong những nhiệm vụ của trường ĐH là nghiên cứu nhu cầu xã hội, giúp người học lựa chọn ngành nghề có nhu cầu xã hội cao. Trong thời gian dịch Covid-19, Ban lãnh đạo trường nhận thấy nhu cầu nhân lực y tế, sức khỏe rất cao nên trường quyết định đầu tư vào các ngành này. Tập đoàn sở hữu trường cũng đã đầu tư một khu vực rộng lớn để phục vụ cho việc thực hành các ngành khối sức khỏe của tất cả sinh viên các trường thành viên.

Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện kiểm tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì dừng, không cho phép đào tạo… Đó mới là kế sách lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dự kiến mở mới thêm 2 ngành khối sức khỏe là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học bên cạnh dược đã có.
Như vậy, hiện nay tại khu vực phía nam, hầu hết các trường ĐH tư thục đều tham gia đào tạo khối sức khỏe.
Giải thích nguyên nhân vì sao phần lớn các trường ĐH tư thục tham gia mở ngành sức khỏe, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, cho rằng do nhu cầu người học cao, từ đó dẫn đến lợi nhuận cao. Mặc dù phải đầu tư nhiều hơn nhưng học phí các ngành học này cũng cao gấp nhiều lần so với ngành khác.

Nỗi lo nhân lực y tế không đạt chuẩn

Nói về việc các trường ĐH tư thục dự kiến mở nhiều ngành học khối sức khỏe trong năm nay, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho biết các trường ĐH khi được phép đào tạo có nghĩa đã trải qua thẩm định về những điều kiện cần thiết mở ngành.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, là người từng tham gia điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học và hiện nay làm nhiệm vụ quản lý, ông nhận thấy để đào tạo các ngành học khối sức khỏe, các trường vẫn còn cần rất nhiều lưu ý.
Đào tạo y bác sĩ cần hướng đến sản phẩm đầu ra và sự chấp nhận của xã hội với sản phẩm này. Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều sinh viên học khối ngành sức khỏe ra trường nhưng mổ, khám bệnh, chăm sóc người bệnh…, thậm chí là thái độ làm việc không đạt yêu cầu nên cơ sở y tế phải đào tạo lại.
“Nếu nhân lực y tế không đạt chuẩn thì sẽ bị đào thải. Chứng chỉ hành nghề sắp tới áp dụng là cách tốt để chứng minh y bác sĩ đầy đủ khả năng hành nghề. Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ Y tế còn quy định là chứng chỉ hành nghề chỉ có thời hạn 5 năm. Trong quá trình hành nghề, y bác sĩ vẫn phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục”, bác sĩ Trần Văn Khanh chia sẻ.
Tương tự, GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho rằng chứng chỉ hành nghề y dược không do trường cấp, vì vậy nếu trường đào tạo không đạt chuẩn thì người học chỉ tốn tiền mà không thể hành nghề bác sĩ. Nếu trường mở ngành mà đào tạo không đạt chuẩn thì dần dần ngành đó sẽ “chết”. Nhưng nếu việc cấp chứng chỉ hành nghề có tiêu cực thì sẽ có họa lớn cho xã hội. “Đây là điều cần lường trước khi áp dụng cấp chứng chỉ hành nghề”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, để siết lại đầu vào, từ năm 2019 Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Việc đưa ra ngưỡng điểm như vậy bước đầu nhận được sự đồng thuận của xã hội trước thực tế nhiều trường có điểm đầu vào quá thấp.
“Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện kiểm tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì dừng, không cho phép đào tạo… Đó mới là kế sách lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vinh cũng cho rằng trong việc mở ngành học khối sức khỏe, cũng cần kiểm tra lại năng lực và sự liêm chính của những người được giao đọc, thẩm định hồ sơ mở ngành vì trong số các trường làm tốt cũng có thể sẽ xuất hiện một số trường bất chấp chất lượng để kéo người học.
Điều kiện mở ngành sức khỏe yêu cầu cao hơn các nhóm ngành khác
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, điều kiện mở ngành sức khỏe có yêu cầu cao hơn. Để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo. Mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Điều kiện cơ sở vật chất như sau: Các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, y học dự phòng, điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về sinh học và di truyền y học, lý sinh, hóa học, giải phẫu, mô phôi, sinh lý, hóa sinh, vi sinh – ký sinh trùng, giải phẫu bệnh…
Quý Hiên
ĐĂNG NGUYÊN
TNO