23/11/2024

Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác

Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế của Trường đại học Điện Lực, anh Đỗ Ngọc Huấn (ở xã Trung Thành, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã không ngại điều tiếng, khởi nghiệp bằng nghề “hót rác” và có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Huấn cùng các thành viên của hợp tác xã cùng đi thu gom rác để bảo vệ môi trường /// Ảnh Vũ Thơ
Anh Huấn cùng các thành viên của hợp tác xã cùng đi thu gom rác để bảo vệ môi trường  ẢNH VŨ THƠ

Thạc sĩ, kỹ sư cùng đi gom rác

Tốt nghiệp Trường đại học Điện Lực, anh Đỗ Ngọc Huấn, từng đi làm đủ các nghề tự do trong các lĩnh vực xây dựng, nội thất, điện nước… Năm 2012, khi tập đoàn Samsung khởi công xây dựng “Khu Tổ hợp công nghệ cao” tại TX.Phổ Yên, anh đã về quê để tham gia làm sạch môi trường, bằng việc đi thu gom các vật liệu xây dựng phế thải ở khu công nghiệp. Nhận thấy môi trường ở thị xã bị ô nhiễm nặng, do xây dựng khu công nghiệp và tình trạng xả rác bữa bãi của các khu dân cư, anh đã trăn trở rất nhiều.
“TX.Phổ Yên trước đây là một huyện thuần nông, nên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn hạn chế. Rác được người dân vứt bừa bãi dọc quốc lộ và ven các sông suối. Từ khi nhà máy Samsung về hoạt động, cùng với việc đô thị hóa, thì mức độ ô nhiễm ngày càng lan rộng. Vì thế, tôi đã vận động bạn bè cùng hùn vốn, thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương mại và dịch vụ Môi trường xanh, để thu gom rác thải trên địa bàn”, anh Huấn chia sẻ.
Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác - ảnh 1

Anh Huấn đi vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường  ẢNH VŨ THƠ

Năm 2014, HTX ra đời với các thành viên đều là những người trẻ có độ tuổi từ 30 – 35. Đặc biệt, đa số là những người có trình độ cử nhân, kỹ sư, có người là thạc sĩ, từng đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp trên quê hương.
“Để vận hành HTX, chúng tôi đã đầu tư mua những thiết bị chuyên dụng để tự động hóa việc thu gom rác, giảm lao động chân tay và tăng năng suất. Các xe chuyên dụng có đầy đủ các bộ phận xử lý, thu gom khép kín, để không bị phát tán mùi hôi thối ra môi trường xung quanh”, anh Huấn kể.
Vì thế, ngay sau khi HTX ra đời đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. HTX của anh đã được giao đi thu gom lượng rác thải “mồ côi” (rác vô chủ) trên địa bàn để làm sạch cảnh quan môi trường. “Đây là rác bị người dân xả bừa bãi ra môi trường, để lâu ngày lưu cữu năm này qua năm khác, nên rất mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng tôi đã tích cực thu gom và làm sạch trong một thời gian ngắn”, anh Huấn kể.
Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác - ảnh 2

HTX tặng thùng đựng rác cho trường học để khuyến khích phong trào giữ vệ sinh môi trường ẢNH VŨ THƠ

Trong đợt gom rác đầu tiên đơn vị anh đã gom tới 60 – 70 tấn rác “mồ côi”, trả lại bầu không khí trong lành cho thôn xóm. “Trong các đợt ra quân làm sạch môi trường, các kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ trong HTX đều xắn tay cùng anh em công nhân thu gom rác”, anh Huấn kể.

Không ngại điều tiếng

Anh Huấn hiện là Bí thư chi đoàn xóm Cầu Sơn, xã Trung Thành, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2014 anh vận động thành lập HTX thương mại và dịch vụ Môi trường xanh, với số vốn điều lệ 4 tỉ đồng. Lúc đầu chỉ hợp đồng với 6 xóm của P.Đồng Tiến, TX.Phổ Yên. Đến năm 2015, HTX đã ký được hợp đồng với 17 tổ dân phố thuộc P.Đồng Tiến.
Sau hơn 5 năm hoạt động, vốn điều lệ của HTX đã nâng lên thành 9,9 tỉ đồng. Doanh thu của HTX lên tới hàng tỉ đồng, có năm doanh thu lên tới 16 tỉ đồng/năm, với mức lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm. HTX đã tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên trên địa bàn với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng.
Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác - ảnh 3

Do có uy tín và hoạt động hiệu quả nên HTX được tham gia các dịch vụ công ích, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trên địa bàn   ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP

Để có được thành quả đó, anh và các đồng nghiệp đã trải qua những ngày tháng không ít khó khăn. Thời gian đầu thành lập, anh vấp phải nhiều sự dị nghị và thiếu hợp tác của người dân. “Mọi người vẫn có thói quen xả rác tự do, nên không ai muốn mất phí thu gom. Lúc đầu chúng tôi đặt thùng đựng rác, nhưng người dân không để vào mà vẫn xả tự do ra những chỗ đất trống hoặc mang ra sông suối. Chúng tôi phải đi tới từng nhà dân để vận động, tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”, anh Huấn kể.
Cử nhân khởi nghiệp bằng nghề… hót rác - ảnh 4

Anh Huấn (áo xanh) hướng dẫn công nhân của HTX cắt tỉa cây xanh làm đẹp cảnh quan môi trường ẢNH VŨ THƠ

Điều mà anh và các đồng nghiệp phải dũng cảm vượt qua, là những điều tiếng dèm pha, vì cho rằng các anh: học đại học về rồi cũng đi hót rác! “Nhiều người nghĩ rằng nghề vệ sinh môi trường là cái nghề tầm thường. Nhưng với chúng tôi, đó không chỉ là công việc, mà đó còn là nghĩa vụ là trách nhiệm, là lòng yêu nghề, yêu môi trường sống. Vất vả là đấy, mồ hôi rơi là đấy, nhưng sau những ngày làm việc mệt nhọc, ngồi ngắm nhìn từng cung đường, từng con phố sạch đẹp là bao nỗi nhọc nhằn vất vả đều tan biến”, anh Huấn trải lòng.
Nói về mong muốn của mình, anh Huấn chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong rằng sẽ mang được hai chữ “trách nhiệm” với môi trường chạm đến trái tim của tất cả mọi người vì “Môi trường hôm nay – Cuộc sống ngày mai ”. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai, bởi đó chính là việc bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.
VŨ THƠ
TNO