25/12/2024

Mối nguy bạo loạn ngày đổi ngôi tại Mỹ

Mối nguy bạo loạn ngày đổi ngôi tại Mỹ

Lực lượng an ninh hùng hậu được huy động để bảo vệ thủ đô Washington D.C và các thành phố lớn trước mối nguy bạo loạn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Donald Trump sang người kế nhiệm Joe Biden.
Vệ binh quốc gia bảo vệ tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington D.C /// Ảnh: Reuters
Vệ binh quốc gia bảo vệ tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington D.C ẢNH: REUTERS
Tổng thống Donald Trump hôm qua 12.1 phê chuẩn việc ban bố tình trạng khẩn cấp tại quận Columbia từ ngày 11 – 24.1. Theo đó, ông Trump chỉ thị các cơ quan liên bang hỗ trợ nỗ lực ứng phó trước những điều kiện khẩn cấp phát sinh từ lễ nhậm chức tổng thống của người kế nhiệm Joe Biden.

Phong tỏa thủ đô

Nhà chức trách đang lo ngại nguy cơ bất ổn xảy ra trong khoảng thời gian chuyển giao quyền lực, đặc biệt là sau vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6.1 làm 5 người thiệt mạng. Truyền thông Mỹ đưa tin Cục Điều tra liên bang (FBI) đã cảnh báo khả năng người ủng hộ Tổng thống Trump sẽ tổ chức biểu tình có vũ trang tại toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington D.C từ cuối tuần này đến ngày 20.1.

Đằng sau sự cố Tổng thống Trump “bị chấm dứt nhiệm kỳ”

Website chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị sập vào rạng sáng qua (giờ Việt Nam) sau khi trang tiểu sử của Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence đột ngột xuất hiện dòng chữ cho thấy nhiệm kỳ của họ đã chấm dứt vào tối 11.1, tức sớm hơn 9 ngày trước khi chính thức chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm.
Thông tin này được duy trì gần 1 giờ trước khi bị xóa bỏ và website không thể truy cập sau đó. CNN dẫn nguồn thạo tin tiết lộ “thủ phạm” rút ngắn nhiệm kỳ của hai ông Trump – Pence là một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, với lý do được cho là người này bất mãn. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức về động cơ của đối tượng và các nhà điều tra vẫn chưa loại bỏ những nguyên nhân khác, theo AP.
H.G

Theo tờ USA Today, chính quyền nhiều tiểu bang đã ra lệnh siết chặt an ninh tại các thủ phủ giữa lo ngại bạo lực. Chỉ huy Cục Vệ binh quốc gia Daniel Hokanson cho biết tổng cộng 10.000 binh sĩ sẽ có mặt tại thủ đô từ cuối tuần này và thêm 5.000 người nữa có thể được huy động nếu cần.

Bộ An ninh nội địa (DHS) mô tả lễ nhậm chức là “sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt” và quyết định triển khai kế hoạch bảo vệ từ ngày 13.1, sớm hơn dự kiến 6 ngày. Theo AP, quyền Giám đốc Cảnh sát quốc hội Yogananda Pittman hôm qua thông báo người dân sẽ bị cấm đến khu vực đồi Capitol vào ngày 20.1 và chỉ những người được mời mới có thể dự lễ nhậm chức.
Cơ quan Quản lý công viên quốc gia cũng thông báo phong tỏa khu vực Đài tưởng niệm Washington từ ngày 11 – 24.1 và có thể mở rộng phạm vi nếu cần.
Trước đó, Thị trưởng Quận Columbia Muriel và lãnh đạo một số tiểu bang lân cận kêu gọi người dân không nên đến thủ đô ngày nhậm chức vì nguy cơ bạo lực và lo ngại lây lan đại dịch Covid-19.
Trong diễn biến liên quan, quyền Bộ trưởng DHS Chad Wolf hôm qua bất ngờ từ chức vì lý do thủ tục, giữa bối cảnh DHS giữ vai trò chủ chốt trong việc điều phối công tác đảm bảo an ninh của lễ nhậm chức. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc DHS nói rằng việc thay đổi lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng đến an ninh cho sự kiện sắp tới. Bản thân ông Biden cũng nói “không lo sợ” khi phải tuyên thệ ở bên ngoài và cho biết đã được báo cáo về tình hình an ninh, theo CNN.
Mối nguy bạo loạn ngày đổi ngôi tại Mỹ

Vệ binh quốc gia bảo vệ viện lập pháp bang Washington tại TP.Olympia ẢNH: AFP

Xúc tiến luận tội

Trong khi đó, đảng Dân chủ đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm hoàn tất luận tội Tổng thống Trump trước khi ông mãn nhiệm. Ngày 13.1, Hạ viện sẽ thảo luận và bỏ phiếu nghị quyết luận tội với cáo buộc Tổng thống Trump “kích động dấy loạn”.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đang tìm cách triệu tập phiên xét xử tại Thượng viện ngay sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội.
Trước đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng phiên xét xử chỉ có thể diễn ra sớm nhất vào 13 giờ ngày 20.1, thời điểm ông Trump không còn là tổng thống.

Cuộc đấu mạng xã hội và phe ông Trump

Twitter vào sáng qua (giờ VN) tuyên bố khóa vĩnh viễn hơn 70.000 tài khoản có dính líu đến thuyết âm mưu QAnon của phe cực hữu ủng hộ Tổng thống Donald Trump, theo Reuters. Đây là thuyết cho rằng ông Trump đang đấu tranh chống lại một thế lực tàn ác và bí ẩn của toàn cầu, với các thành viên như cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tỉ phú đầu cơ George Soros.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích Twitter vì đã cấm tài khoản của Tổng thống Trump, hành động mà bà cho là “có vấn đề” về khía cạnh tự do ngôn luận. Cổ phiếu của Twittter cũng giảm hơn 6% giá trị vào thời điểm đóng cửa hôm 11.1, cũng là phiên giao dịch đầu tiên kể từ khi hãng khóa tài khoản của tổng thống Mỹ.
Tương tự, Facebook cho hay sẽ loại bỏ cụm từ “ngăn chặn hành vi cướp bóc” khỏi nền tảng của mình cho đến khi Tổng thống tân cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.
Đây là phong trào cho rằng ông Trump mới là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3.11.2020 và lan truyền “tin vịt” về cuộc bầu cử Mỹ.
Bên cạnh đó, các hãng công nghệ như Amazon, Facebook, Google và Microsoft tuyên bố tạm ngừng đóng góp cho các ủy ban hành động chính trị (PAC), để phản ứng vụ đám đông xông vào Điện Capitol hôm 6.1.
H.G

Mặt khác, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đưa ra “tối hậu thư” buộc Phó tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump trong 24 giờ từ lúc Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội. Nếu không, nghị quyết sẽ được gửi lên Thượng viện. Đến nay, chưa có tín hiệu gì cho thấy Phó tổng thống Pence lẫn các thành viên nội các sẽ kích hoạt Tu chính án 25.

Ngược lại, ông Pence và Tổng thống Trump được cho là đã có cuộc nói chuyện tốt đẹp tại Nhà Trắng vào tối 11.1, lần gặp mặt đầu tiên từ sau cuộc bạo loạn hôm 6.1. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao cho hay Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence lên án những người phá luật khi xông vào quốc hội, nhắc lại những thành tựu trong nhiệm kỳ và cam kết tiếp tục nhiệm vụ cho đến ngày mãn nhiệm.
Trong khi đó, ông Biden cho biết đã trao đổi với các lãnh đạo Thượng viện về việc phân phối thời gian để tiến trình luận tội không ảnh hưởng đến việc phê chuẩn các vị trí bộ trưởng trong chính quyền mới, cũng như việc thông qua gói cứu trợ kinh tế ứng phó đại dịch.
BẢO VINH
TNO