Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản đã được giải quyết
Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản đã được giải quyết
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo tổng kết năm 2020 và 5 năm (2016 – 2020), triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cụ thể, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW, tương đương gần 90% tổng công suất năng lượng tái tạo), 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối. Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện. Sản lượng điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần từ mức không đáng kể là 320 triệu kWh, chiếm khoảng 0,41% toàn hệ thống năm 2016, lên khoảng 8 tỉ kWh, chiếm 2,53% toàn hệ thống vào năm 2020.
Bộ Công thương nhấn mạnh: “Việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án. Vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết”.
Hết năm 2020, khi hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm – Tuy Phong – Phan Rí…). Đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của cả nước đạt 237,561 tỉ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019. Tính chung cả giai đoạn 2016 – 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỉ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia vùng lãnh thổ vào năm 2013, đã vươn lên vị trí 27/190 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN vào năm 2019. Ngoài ra, chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn. Theo Bộ này, tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn xấp xỉ 6,5% năm 2020. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.677 MW, tăng 1,32 lần so với năm 2016.
NGUYÊN NGA
TNO