24/11/2024

Trẻ nên đọc nhiều sách văn học

Trẻ nên đọc nhiều sách văn học

Nền giáo dục ở các quốc gia phát triển luôn đánh giá cao sức mạnh to lớn của văn chương đối với sự phát triển của các thành viên trong xã hội.

 

Trẻ nên đọc nhiều sách văn học - Ảnh 1.

Niềm vui từ trang sách của học sinh Trường THCS Bình An (Q.8, TP.HCM) – Ảnh: CHÂU HUỲNH BẢO NGÂN

Hi vọng với sự quan tâm đúng mức đối với văn hóa đọc của các em nhỏ, trong tương lai tỉ lệ đọc sách của người Việt chúng ta sẽ tăng lên đáng kể.

Bởi vậy, trường học ở các quốc gia ấy khích lệ trẻ em hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách, trong đó sách văn học luôn được ưu tiên.

Những bài học làm người sâu sắc

Các tác phẩm văn học trong kho tàng văn chương thế giới là những người thầy vĩ đại truyền cho trẻ thơ những bài học làm người sâu sắc. Những tác phẩm kinh điển như Truyện cổ Andersen, Oliver Twist của Charles Dickens, Không gia đình của Hector Malot, Ông già và biển cả của Hemingway có thể khơi gợi và gieo những hạt giống quý báu về những giá trị sống căn bản mà mỗi con người cần phải có.

Thông qua cuộc đời của những nhân vật được kể trong các tác phẩm đó, các em nhỏ có thể sớm phân biệt được cái thiện, cái ác, việc gì nên làm, việc gì không nên. Các em hiểu rằng hạnh phúc và thành công không tự nhiên đến mà là kết quả của sự lao động chăm chỉ, cách sống hướng thiện, và những việc làm tử tế vì sự phát triển chung của cộng đồng.

Bên cạnh lợi ích đối với việc bồi dưỡng tính cách tốt đẹp, việc thưởng thức văn chương khiến cho tâm hồn trẻ thơ bay bổng, kích thích trí tưởng tượng phát triển. Ai cũng biết trí tưởng tượng của con người là kho báu của tâm hồn, và tuổi thơ là “mảnh đất” lý tưởng để trí tưởng tượng phát triển mạnh mẽ. Trí tưởng tượng có thể kích thích các em nhỏ hình thành ước mơ, khát vọng cao đẹp cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Chẳng thế mà những nhà phát minh, các nhà sáng tạo, các đại văn hào đều là những người có trí tưởng tượng phong phú.

Khích lệ trẻ đọc sách

Ở nước ta, trong những năm gần đây xu hướng coi trọng các môn tự nhiên hơn các môn xã hội khiến nhiều trẻ em có tâm lý ngại, lười học văn như một hệ quả tất yếu. Học yếu môn văn không chỉ gây ra cảm giác thiếu tự tin ở nhiều em nhỏ mà còn gây bất lợi cho các em khi trưởng thành bởi các mối quan hệ trong công việc và đời sống sẽ đòi hỏi các em phải sử dụng kỹ năng diễn đạt và giao tiếp thuần thục, hiệu quả.

Khích lệ trẻ nhỏ đọc sách văn học có thể khiến các em có hứng thú hơn với môn văn. Tài sử dụng ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học nổi tiếng cho các em thấy những cách “chế tác” ngôn từ tài tình, tinh tế. Trừ những trường hợp đặc biệt, tất cả những em nhỏ chăm đọc sách, nhất là sách văn học, đều không gặp khó khăn với việc học văn nói riêng và việc diễn đạt ý nghĩ cũng như giao tiếp xã hội nói chung.

Hiện nay, giờ đọc sách đã được đưa vào thời khóa biểu chính thức tại một số trường học ở nước ta. Trong khi ở nhiều trường khác, học sinh được tổ chức cho đọc sách vào những giờ ngoại khóa. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có thể hướng dẫn cụ thể cho học sinh nên đọc sách gì và đọc sách như thế nào để tối ưu hóa thời gian và trải nghiệm đọc của các em.

Nhà văn, dịch giả NGUYỄN BÍCH LAN
TTO