Đừng để ‘ôm nợ’, ai nên đầu tư điện mặt trời?
Đừng để ‘ôm nợ’, ai nên đầu tư điện mặt trời?
Sau khi chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) hết hiệu lực từ 31-12-2020, nhiều người lo nếu giá mua điện mặt trời giảm xuống, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà có còn hiệu quả và ai nên đầu tư?
Tuổi Trẻ trích đăng bài viết của các chuyên gia trong ngành điện và bạn đọc cùng về vấn đề điện mặt trời (ĐMT) mái nhà sau 2 năm “bùng nổ”.
* Ông Đinh Quang Tri (nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam):
Lắp pin tích trữ để dùng điện ban đêm
Hai năm qua, Việt Nam đã “bùng nổ” phát triển ĐMT, trong đó có ĐMT mái nhà. Trước đây, EVN tính sẽ thiếu điện, phải chạy dầu nhưng thực tế năm 2020 đã khác hẳn, áp lực về cung ứng điện đã giảm, có nguyên do từ sự gia tăng của ĐMT.
Tuy nhiên, ĐMT đấu nối lên lưới quá nhiều tạo ra khó khăn cho vận hành hệ thống điện. Một số nơi các nhà máy ĐMT giảm đến 49% công suất và ĐMT mái nhà cũng có những nơi bị giảm phát vì quá tải lưới. ĐMT có điểm bất lợi là chỉ phát điện vào ban ngày trong khi nhu cầu điện của khách hàng là 24/24.
Theo tôi, giải pháp tốt nhất là lắp pin tích điện giá cạnh tranh để khách hàng sử dụng hết nguồn năng lượng tích trữ, sử dụng vào ban đêm cũng như giảm áp lực truyền tải cho EVN. Việc đầu tư pin tích trữ sẽ giúp khách hàng sử dụng ĐMT cả ban đêm.
Tôi được biết sắp tới pin tích điện sẽ giảm giá khi thế giới đã sản xuất pin polymer, giá thành giảm còn 1/10 so với hiện nay. Phát triển mạnh ĐMT để tận dụng nguồn năng lượng vô tận. Nếu hộ gia đình sử dụng trên 400 kWh, kết hợp lắp thêm pin tích trữ, giá điện sẽ rẻ hơn mua của EVN.
* ThS Nguyễn Hoàng Dũng (trưởng phòng năng lượng tái tạo, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3, phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió và ĐMT Bình Thuận):
Thời gian thu hồi vốn sẽ dài hơn
Sau một thời gian Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích ĐMT, tốc độ tăng trưởng về công suất và số người dân lắp đặt ĐMT tăng ấn tượng. Người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư xem đây là một kênh đầu tư sinh lợi.
Mức giá bán điện dư thừa cho ngành điện đối với loại hình áp mái trước đây là 9,35 cent/kWh, sau này giảm xuống 8,38 cent/kWh trong 20 năm (tương đương 1.943 đồng/kWh), rất hấp dẫn nhà đầu tư khi có thể thu hồi vốn trong vòng 4-5 năm.
Việc đầu tư ĐMT đem lại lợi ích cho cả hộ dân, Nhà nước lẫn ngành điện khi người dân có thể chủ động về mặt nguồn điện, giảm áp lực về nguồn cung ứng cũng như áp lực truyền tải cho ngành điện…
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ hệ thống ĐMT chỉ phát điện vào ban ngày nên ban đêm hoặc khi nắng yếu không thể phát điện đủ nhu cầu, người dân vẫn phải mua điện từ EVN.
Ở Việt Nam, người dân tại bất kỳ địa phương nào cũng có thể lắp ĐMT, song theo các tính toán bức xạ thì ở các tỉnh từ miền Trung trở vào, đặc biệt là các tỉnh phía Nam nắng nhiều, bức xạ cao hơn dẫn đến hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn.
Vậy ai nên lắp ĐMT? Đó là những hộ dân có mái nhà đảm bảo, không bị bóng râm hay các nhà cao tầng làm khuất nắng, có điều kiện tài chính để đầu tư.
Theo tôi, với một hộ gia đình có trang bị các thiết bị điện sinh hoạt cơ bản, nhu cầu điện hằng tháng từ 400-600 kWh, nên đầu tư hệ thống có công suất từ 3-5 kWp, với mức đầu tư dao động khoảng 15 triệu đồng/kWp và diện tích mái cần cho mỗi kWp khoảng 4m².
Theo thông tin tôi nắm được về dự thảo giá mua điện mới (áp dụng với những dự án phát triển sau 1-1-2021) sẽ giảm 30% so với giá cũ. Đồng thời, chính sách mới sẽ chia ĐMT mái nhà thành hai loại theo quy mô công suất dưới 15 kWp và từ 15-1.250 kWp.
Điều này khiến hiệu quả đầu tư của người dân, doanh nghiệp sẽ giảm so với trước đây, thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hơn.
Việc ban hành mức giá mua điện phản ánh chính sách quản lý của Nhà nước nhằm điều tiết, kiểm soát quy mô đầu tư ĐMT, do thực trạng trong thời gian qua có hiện tượng đầu tư ồ ạt, nhiều người đã đầu tư các hệ thống ĐMT mái nhà có quy mô hàng MW để bán lên lưới 100% công suất.
Với người dân đầu tư các hệ thống ĐMT gia đình để tự cung ứng điện chủ yếu tự sử dụng, chỉ bán lên lưới lượng dư thừa, ưu điểm của hệ thống này là giảm lượng điện mua từ EVN nên dẫn đến giảm bậc thang sử dụng điện, tránh được những bậc thang giá cao.
Ngoài hộ gia đình, những nơi nên đầu tư ĐMT là các cơ sở sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm như trung tâm thương mại, nhà xưởng, kể cả các công sở vì làm việc vào ban ngày.
Với những cơ sở này, lắp ĐMT sẽ giảm đáng kể việc mua điện sản xuất, kinh doanh theo giờ ở khung giá cao, đồng thời giảm nhiệt độ bên dưới nhà xưởng cũng như có được những tiêu chí năng lượng xanh nếu xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia khắt khe…
Cần lưu ý, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người dân cần chọn mua các tấm quang điện từ các hãng uy tín, nguồn gốc rõ ràng, cũng như chọn đơn vị lắp đặt có kinh nghiệm để tránh rủi ro. Nếu không chọn lựa kỹ lưỡng, việc lắp sai cách hoặc sử dụng tấm quang điện kém chất lượng sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Giá mua điện mặt trời năm 2021
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết giá mua ĐMT mái nhà năm 2021 sẽ là 2.162 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh) đối với các dự án vận hành từ 1-6-2017 đến 30-6-2019 và 1.938 đồng (tương đương 8,38 cent/kWh) đối với các dự án vận hành từ 1-7-2019 đến 31-12-2020.
Mức giá này được quy đổi theo tỉ giá đồng Việt Nam đối với USD (1 USD bằng 23.131 đồng), dành cho những dự án đã vận hành thương mại trước ngày 31-12-2020. Còn đối với các dự án phát triển sau thời điểm trên, hiện nay Bộ Công thương đang nghiên cứu chính sách giá nên vẫn còn “trống” về giá cũng như cơ chế phát triển.
Theo EVN, tính đến ngày 11-1, cả nước đã có 101.996 dự án ĐMT đã lắp đặt với tổng công suất 9.583 MWp. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết trong năm 2020, có 43.609 khách hàng lắp ĐMT mái nhà với công suất khoảng 5.409 MWp, tăng 26 lần so với năm 2019. Số tiền mà doanh nghiệp này đã thanh toán cho khách hàng bán ĐMT dư thừa lên lưới là 721 tỉ đồng.
Tương tự, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết trên địa bàn TP đã có 8.762 dự án ĐMT đã nối lưới và tổng số tiền đã thanh toán cho khách hàng bán điện lại cho EVN là 119,66 tỉ đồng.
NGỌC HIỂN
Đừng để “ôm nợ”
Nhiều người đã rất sốc trước thông tin từ ngày 1-1-2021, EVN tạm ngưng đấu nối điện dư từ hệ thống ĐMT lên lưới. Một lượng điện năng sẽ bị lãng phí trong những hộ dân đầu tư ĐMT đang dở khóc dở cười khi điện dư hiện đang không bán được (vì chưa có giá mới). Một số đang nợ nần sau khi đầu tư ĐMT.
Bạn tôi, anh Đỗ Hoàng Linh (ngụ xã An Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) bức xúc kể trước đây mỗi tháng gia đình anh tốn trên 2 triệu đồng tiền điện bao gồm: máy lạnh, điện thắp sáng, sinh hoạt, các máy sục khí oxy cho ao tôm.
Anh đã lắp đặt hệ thống ĐMT công suất 10 kWp với giá 190 triệu đồng gồm 23 tấm pin, mỗi tấm 2m2 với mong muốn vừa tiết giảm tiền điện, vừa có thể bán lại. “Thế nhưng chuyện không hề đơn giản, nếu không nói là tính toán sai”, anh Linh nói.
Cũng như anh Linh, nhiều người đã nôn nóng lắp đặt ĐMT khi chưa tham vấn cụ thể về hoạt động của hệ thống này. Miền Nam nắng nóng, ban ngày thừa điện, ban đêm không sử dụng được, vẫn phải sử dụng điện lưới như trước.
Do hòa mạng chung nên khi điện lưới bị cúp, nguồn ĐMT cũng ngừng theo. Và thực tế là điện năng thu được thấp hơn nhiều so với dự tính khi lắp đặt.
Với những hộ có nhu cầu sử dụng điện rất cao vào ban đêm thì sẽ rất lãng phí với lượng điện dư. Như gia đình anh Linh chỉ tiết kiệm mỗi tháng 500.000 đồng, tính ra muốn thu hồi số tiền đầu tư ban đầu phải mất đến vài mươi năm.
Nhiều chủ trang trại, cơ sở kinh doanh quy mô lớn đã đầu tư hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho ĐMT đang như “ngồi trên lửa” khi rơi vào tình cảnh thất thu, “vương thì nợ”. Nhiều người không khỏi thất vọng, chưng hửng khi bấy lâu nay vẫn nghĩ sẽ bán được điện dư với giá ổn định đến năm 2025.
Bà con đang mong chờ những thông tin lạc quan, khẩn trương và trách nhiệm từ cơ quan chức năng.
Về phía người đầu tư cần tính toán cụ thể, sát sao các yếu tố thuận lợi cơ bản như: nguồn nắng nóng thường xuyên, điều kiện sinh hoạt, sản xuất, điều kiện kinh tế trong khả năng của gia đình để “liệu cơm gắp mắm” trước khi quyết định đầu tư nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng “tiền mất, giận mang”.
TRƯƠNG THANH LIÊM