23/12/2024

Giao thông ĐBSCL bắt đầu bứt tốc

Giao thông ĐBSCL bắt đầu bứt tốc

Liên tiếp tin vui như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thông tuyến; khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai; tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi sắp hoàn thành… đang làm nức lòng người dân ĐBSCL.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đẩy mạnh thi công để kịp thông xe tạm dịp Tết Nguyên đán tới /// Ảnh: Đình Tuyển
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được đẩy mạnh thi công để kịp thông xe tạm dịp Tết Nguyên đán tới ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Giữa trưa 8.1, trên công trường cầu vượt An Thái Trung (xã An Thái Trung, H.Cái Bè, Tiền Giang) nằm giáp với điểm cuối của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hàng trăm công nhân vẫn đang hối hả thi công. Đây là công trình quan trọng thuộc gói thầu XL19 (liên danh nhà thầu Công ty BMT và Công ty 873) thuộc tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – công trình kết nối với tuyến QL30 huyết mạch kết nối TP.HCM, các tỉnh miền Đông về Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… 5 ngày sau khi thông tuyến kỹ thuật, các hạng mục cuối cùng của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục “chạy nước rút” nhằm kịp thông xe tạm phục vụ người dân ĐBSCL ngay dịp Tết Nguyên đán tới đây, tránh tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên QL1A.
Giao thông ĐBSCL bắt đầu bứt tốc

Gói thầu nút giao cầu vượt An Thái Trung, thuộc dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh thi công để kịp thông xe tạm dịp Tết Nguyên đán tới  ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Thi công “3 xuyên”

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chính thức khởi công từ tháng 11.2009 nhưng sau đó đã đình trệ gần 10 năm, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3.2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án và dự án đã được tái khởi động vào tháng 4.2019.
Giám sát tại nút giao cầu vượt An Thái Trung, kỹ sư Nguyễn Bá Phúc, quê ở Vĩnh Long, cho biết khoảng 20 kỹ sư và hàng trăm công nhân thi công ở nút giao này đang nỗ lực hết sức với tinh thần “3 xuyên”: xuyên đêm; xuyên lễ, tết; xuyên dịch, nhằm kịp thông xe tạm vào ngày 25.1 tới.
Trước đó, sau hơn một năm rưỡi tái khởi động, ngày 4.1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ nút giao cuối tuyến (H.Cái Bè, Tiền Giang) đến nút giao đầu tuyến (nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm kết nối vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương). Sau khi cắt băng thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cùng ngày Thủ tướng cũng đã phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Giao thông ĐBSCL bắt đầu bứt tốc

Khẩn trương thi công trên công trình cầu vượt An Thái Trung, thuộc dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Dồn dập các tuyến cao tốc

Theo Bộ GTVT, hiện nay tại ĐBSCL, ngoài cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ thì dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng đang triển khai, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2022 và hoàn thành toàn bộ (giai đoạn 1) trong năm 2023; tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi cũng chuẩn bị hoàn thành. Dù gặp không ít khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, vật liệu khan hiếm, nhưng đến thời điểm này sau thông tuyến kỹ thuật, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đạt hơn 75% khối lượng. Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến 22,97 km, đi qua 3 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố thuộc địa phận hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía nam rất nhiều. Chi phí logistics giảm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi chi phí đi lại, giá cả hàng hóa giảm. Đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn nếu nhanh chóng giải quyết bài toán giao thông.

TS Dương Như Hùng

Chính phủ liên tục chỉ đạo, Bộ gấp rút điều chỉnh quy hoạch, lãnh đạo ngành GTVT các tỉnh cũng đang sốt sắng trình kiến nghị, đề xuất nhanh chóng được gỡ khó để triển khai các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối liên vùng.

Mới đây nhất, Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương chủ trì cuộc họp cùng các đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho dự án trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang. Đây là dự án đã được
Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Công văn số 631 ngày 9.5.2017 với chiều dài khoảng 54,5 km, đi qua địa bàn 3 địa phương.
Tuyến đường có quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 16.197 tỉ đồng. Ngày 12.5.2020, UBND 3 tỉnh, thành đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng, các bộ hỗ trợ vốn đầu tư 3 cầu trên tuyến (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, với tổng mức đầu tư khoảng 4.546 tỉ đồng) và phương án đầu tư xây dựng đường Trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang. Đồng thời, xem xét cho chủ trương để UBND tỉnh Long An được chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư theo hình thức huy động các nguồn lực để đầu tư như khai thác quỹ đất, hợp đồng hợp tác công tư (PPP) đối với đoạn từ ngã tư Tân Kim đến Trung Lương (kể cả đoạn qua tỉnh Tiền Giang).
Trước đó, Sở GTVT Tiền Giang thông báo Chính phủ đã đồng ý chủ trương mở hơn 700 km đường ven biển miền Tây kết nối từ Hà Tiên đến TP.HCM. Dự án gồm làm mới hai đoạn đường dài gần 25 km, quy mô 4 làn xe, với tổng cộng 18 cầu. Đoạn một có điểm đầu từ nút giao cầu Mỹ Lợi đến QL50 (Gò Công Tây, Tiền Giang), dài gần 12 km. Đoạn hai sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (Bình Đại, Bến Tre), dài 13 km.
Hai đoạn này kết nối với trục lộ sẵn có, đi dọc ven biển, song song với QL1, giúp các phương tiện dễ dàng di chuyển từ Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP.HCM, rút ngắn khoảng cách hàng chục ki lô mét, góp phần chia lửa, giảm ùn tắc, tai nạn cho QL1A và QL50.
Hiện nay, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang xúc tiến quy hoạch đoạn đường qua địa phương thuộc dự án đường ven biển miền Tây đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 10 năm trước. Toàn tuyến dài gần 740 km đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Sức bật kinh tế toàn vùng

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại – Công nghiệp VN, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đánh giá cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một bước tiến lớn, giải quyết điểm nghẽn giao thông khu vực miền Tây nối TP.HCM. Giao thông hoàn thiện sẽ tác động lớn đối với phát triển kinh tế ĐBSCL. Khi cao tốc TP.HCM – Cần Thơ hoàn thiện thì thời gian di chuyển sẽ giảm gần một nửa so với bình quân 4,5 giờ như hiện nay. Như thế, chi phí giao dịch sẽ giảm đáng kể, xuất khẩu hướng ra cảng biển TP.HCM (cảng Cát Lái) giảm một phần chi phí trong logistics như chi phí lưu kho bãi, xăng dầu, thời gian giao hàng…
“Với bình quân 62,7% doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường bộ như hiện nay thì uớc tính chi phí giao nhận sẽ giảm bình quân 600.000 – 900.000 đồng/container hàng hóa cho tuyến Cần Thơ – TP.HCM. Giao thông cải thiện giúp thu hút đầu tư FDI và thu hút doanh nghiệp các vùng khác vào ĐBSCL nhiều hơn”, ông Lam nhận định.
TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định bài toán hạ tầng của vùng kinh tế phía nam đã ì ạch quá lâu. Nếu mạng lưới giao thông trên được triển khai và hình thành theo đúng kế hoạch, giai đoạn 2025 – 2030 khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có một cuộc “lột xác” về dung mạo, thay đổi rất lớn về đô thị và kinh tế.
ĐÌNH TUYỂN – HÀ MAI
TNO