24/11/2024

Điện mặt trời áp mái ‘ngóng’ giá mới

Điện mặt trời áp mái ‘ngóng’ giá mới

Điện lực TP.HCM cho biết tiếp tục lắp côngtơ hai chiều nhưng không ghi nhận chỉ số phát ngược lên lưới điện nhằm tạo điều kiện cho khách hàng lắp mới điện mặt trời trên mái nhà, sử dụng điện mặt trời trong thời gian chờ chính sách giá mới.

 

Điện mặt trời áp mái ngóng giá mới - Ảnh 1.

Công nhân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN

Trước đó, sau khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại VN (quyết định 13) hết hiệu lực vào 31-12-2020, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã thông báo tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà sau thời điểm này.

Trong khi đó, chính sách mới vẫn đang được Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nghiên cứu, dự kiến báo cáo Bộ Công thương vào quý 1-2021.

Ngưng đầu tư, chờ giá mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-1, ông Bùi Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) – cho biết người dân tại TP.HCM vẫn có thể lắp mới điện mặt trời trên mái nhà và EVNHCMC vẫn lắp côngtơ hai chiều để khách hàng sử dụng điện mặt trời.

Theo ông Kiên, dù tổng công ty đã dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời sau ngày 31-12-2020 do chính sách hết hiệu lực nhưng nhiều khách hàng vẫn lắp điện mặt trời mái nhà và sử dụng inverter hòa lưới.

Do đó, để tạm thời quản lý việc lắp đặt và đảm bảo an toàn hệ thống điện, tổng công ty đã báo cáo với EVN nhằm tiếp tục lắp côngtơ hai chiều cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này sẽ lập trình côngtơ để không ghi nhận chỉ số phát ngược lên lưới điện, đến khi có hướng dẫn và chính sách giá mới thì ngành điện mới cài đặt lại để tính chỉ số.

Ông Lê Anh Vũ – giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) – cho rằng việc Điện lực TP.HCM vẫn lắp côngtơ hai chiều sẽ khuyến khích người dân tiếp tục lắp điện mặt trời phục vụ nhu cầu của gia đình và các công ty lắp đặt điện mặt trời vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian “trống” chính sách.

Trước đó, theo ông Vũ, sau khi quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời VN hết hiệu lực, DN này đã từ chối lắp đặt khá nhiều dự án điện mặt trời mái nhà hộ gia đình do mức giá mới vẫn còn “tù mù”. Tương tự, ông Thái Huy Đức – giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh – cho hay từ tháng 11 công ty đã tạm ngưng nhận các dự án quy mô lớn bởi thi công không kịp hưởng giá FIT.

Theo ông Lê Ngọc Quang (ngụ Quảng Trị), gia đình ông đã quyết định dừng kế hoạch đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà sau khi nắm thông tin giá FIT (giá mua bán điện cố định 1.943 đồng/kWh trong 20 năm) đã hết hạn mà chưa có giá mới. Trước đó, ông Quang đã liên hệ với công ty lắp đặt để lên bản vẽ, mua pin và khảo sát khả năng truyền tải của lưới điện cho hệ thống điện áp mái với công suất 30kWp.

Chính sách cần liền mạch

Theo thống kê của EVN đến cuối ngày 7-1, cả nước đã có 101.996 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 9.583MWp, gấp đôi công suất lắp đặt của thủy điện Sơn La. Trước khi quyết định 13 có hiệu lực, cả nước chỉ phát triển khoảng 500MWp.

Khi quyết định 11 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, người dân và DN đã chờ đến 9 tháng để có chính sách mới (quyết định 13) với hiệu lực chỉ kéo dài 7 tháng. Trước đó, EVN vẫn lắp đặt côngtơ hai chiều, ghi nhận chỉ số phát lên lưới và thanh toán lại cho người dân khi chính sách mới có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các dự án điện mặt trời trên mái nhà đều bị tạm dừng đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện.

Điều này khiến các DN trong ngành này lo lắng bởi “trống” chính sách sẽ khiến sự phát triển của DN ngắt quãng, đội ngũ nhân công đầu tư cho một thời gian phát triển “nóng” sẽ buộc phải ngồi chờ chính sách. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Khánh – giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển năng lượng HIGG – cho biết DN này từng rơi vào cảnh “ngồi không” chờ chính sách mới bắt tay vào triển khai dự án, nên rất lo cảnh tái diễn việc “trống chính sách” giá hiện nay bởi đời sống của người lao động sẽ gặp khó.

Theo ông Thái Huy Đức, hơn 100 nhân sự của DN này cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu việc làm nếu chính sách mới chậm được ban hành. “Cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm của giai đoạn trước để ban hành sớm chính sách giá mới ngay khi chính sách cũ hết hiệu lực. Chính sách cũng cần có tính dài hạn thì DN mới phát triển được, còn cứ chắp vá như hiện nay khiến DN rất khó khăn” – ông Đức nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – cho biết EVN đang chờ hướng dẫn của Bộ Công thương và Chính phủ về các chính sách liên quan đến các dự án điện mặt trời mái nhà. Theo ông Lâm, do Bộ Công thương vẫn chưa có hướng dẫn mới nên trước mắt EVN phải tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện sau thời điểm chính sách hết hiệu lực.

Kiến nghị bổ sung 54 dự án điện mặt trời vào quy hoạch

Cũng trong ngày 7-1, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 54 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 7.110MWp. Theo Bộ Công thương, có 19.079MWp điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch, thấp hơn cơ cấu nguồn điện mặt trời trong dự thảo quy hoạch điện 8.

Bộ Công thương cũng cho biết đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển điện mặt trời trong giai đoạn tới, trong đó ưu tiên các dự án ở các khu vực còn khả năng giải tỏa công suất, các dự án điện nổi, dự án mà nhà đầu tư cam kết đầu tư lưới truyền tải hoặc hệ thống lưu trữ năng lượng. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị bán điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (DPPA).

Xác định loại hình để có giá phù hợp

Ông Bùi Viết Anh – giám đốc một công ty xây lắp điện – cho rằng cần có cơ chế tách bạch giữa các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ của hộ gia đình và điện mặt trời nông nghiệp hoặc các loại hình khác phát lên lưới 100% công suất. “Cần có mức giá ưu đãi cho các hệ thống dưới 100kWp để khuyến khích người dân tự sử dụng bởi không gây áp lực lên lưới truyền tải”, ông Bùi Viết Anh nói.

NGỌC HIỂN
TTO