26/12/2024

Đẩy nhanh gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp, người dân

Đẩy nhanh gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp, người dân

Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang xây dựng gói cứu trợ thứ 2 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngành du lịch, khách sạn... bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngành du lịch, khách sạn… bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Các chuyên gia đều cho rằng cần phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện để kịp thời tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, phát triển trong năm mới.

Nhanh, đúng đối tượng

Theo Báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 4/2020 và năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 như mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành gói hỗ trợ thứ 2 là cần thiết.
Giải pháp giảm thuế, phí vẫn cực kỳ cần thiết và nên thực hiện kéo dài cho cả năm 2021
TS Lê Đăng Doanh
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định gói hỗ trợ cần bảo đảm nguyên tắc nhanh, đúng đối tượng và phải triển khai quyết liệt. Ý tưởng của gói hỗ trợ lần 1 vẫn còn rất đơn giản là nhà nước giãn, hoãn thuế, chưa thu tiền của doanh nghiệp (DN) để họ giữ lấy cầm cự. Nhưng gói hỗ trợ lần 2 phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ DN vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại. Gói hỗ trợ này phải đủ lớn, kéo dài sang cả năm 2022 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới. Gói hỗ trợ cũng cần bao quát được các đối tượng gồm người lao động, DN và an sinh xã hội. Nhưng phải tính toán để nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm tới các lĩnh vực, DN quy mô lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa như ngành hàng không… Hơn nữa, việc hỗ trợ DN nhưng không tất tay một lần vì phía trước còn nhiều khó khăn. Cuối cùng, nguyên tắc quan trọng là phải tiến hành như trong thời chiến, phải nhanh, quyết liệt, đồng bộ. Càng sớm đưa ra gói hỗ trợ kích thích kinh tế thì “chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt nhất có thể”.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ có chủ trương đưa ra gói cứu trợ lần 2 vì hiện nhiều DN vẫn còn khó khăn, chưa thể hồi phục như trước dịch Covid-19. Song ông lưu ý, để tránh những điều kiện khắt khe, phi thực tế trong các gói hỗ trợ lần 1 khiến DN không thể tiếp cận được thì các bộ, ngành cũng cần tham khảo, lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội, DN để đưa ra những giải pháp phù hợp thực tế và có hiệu quả hơn. Trong đó, một số lĩnh vực cần xem xét cụ thể do thiệt hại nặng nề như ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng. “Tôi cho rằng giải pháp giảm thuế, phí vẫn cực kỳ cần thiết và nên thực hiện kéo dài cho cả năm 2021. Riêng chính sách giảm lãi suất cho vay thì liên quan đến chính sách tiền tệ nên cần nghiên cứu cẩn thận, vì không thể kéo lãi suất tiết kiệm xuống quá thấp sẽ khiến nguồn vốn từ người dân chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, tiền ảo…”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Tăng hỗ trợ cho người dân

Cũng cho rằng một gói hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là cực kỳ cần thiết, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, nhận định năm 2020, các DN đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến DN, nếu không thay đổi sẽ đánh mất cơ hội phục hồi sau Covid-19. Bản thân nhiều DN dù vẫn khỏe về tài chính nhưng chưa chắc thắng trong đại dịch, mà DN thông minh biết tận dụng công cụ số hóa trong quản trị mới thành công. Như vậy, hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế trong năm 2021 là nên tạo sân chơi với công cụ số hóa tốt nhất cho DN tham gia. Đồng thời cần tăng tốc cải cách tối đa để tăng năng lực cạnh tranh cho DN là cần thiết.
Báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 4/2020 và năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó có 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định trên thực tế việc thiết kế chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ giảm lãi suất cho DN trong gói hỗ trợ lần 1 đã không hiệu quả, do thủ tục phức tạp, điều kiện ngặt nghèo. Chưa kể, khi hạ lãi suất, tiền chủ yếu chảy vào các kênh đầu tư giao dịch tài sản như chứng khoán và bất động sản, đẩy giá bất động sản tăng kinh khủng chứ không chảy vào sản xuất. Hạ lãi suất nhanh nhưng nhu cầu sử dụng vốn của DN thấp, tiết kiệm của DN tăng, tiết kiệm dự phòng của người dân cũng tăng do cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, giới có thu nhập lại không biết tiêu tiền ở đâu vì dịch Covid-19 vẫn còn.
Phân khúc người giàu tiêu dùng chậm lại, tiết kiệm tiếp tục tăng… Như vậy, mục đích các gói hỗ trợ là để tăng sản xuất, việc làm vừa tăng chi tiêu, thì dùng công cụ tài chính lúc này không có hiệu quả. Thứ hai, nếu hỗ trợ bằng công cụ tài chính thì chỉ có các ngân hàng thương mại hưởng lợi do họ chủ động cuộc chơi, đưa mức lãi suất cho vay vẫn quá cao, trong khi lãi huy động lại thấp. Trong tình huống đó, cả DN và người dân gửi tiết kiệm đều bị thiệt.
Như vậy trong ngắn hạn, nếu thực hiện gói hỗ trợ tài chính, theo PGS-TS Phạm Thế Anh, nên hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, những người mất việc. Ông nhấn mạnh: “Tập trung vào gói an sinh xã hội hoặc những dự án đầu tư trọng điểm của quốc gia đã được phê duyệt bố trí vốn rồi nên tăng tốc, làm gấp, làm nhanh tranh thủ lúc thế giới vẫn đang gồng mình với đại dịch. Ngoài ra, ngân sách chi thường xuyên cũng nên cắt giảm bớt để dành nguồn lực này cho công tác khắc phục hậu Covid-19. Trong dài hạn, theo Nghị quyết 02 của Chính phủ vừa phê duyệt, phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Điều này cực kỳ quan trọng và làm song song, liên tiếp, quyết liệt hơn. Nếu làm tốt đã là thực hiện thành công “gói hỗ trợ” cho nền kinh tế”.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO