26/12/2024

Lạnh gây hại cho nhiều người

Lạnh gây hại cho nhiều người

Mới đây, ở Hà Giang đã xảy ra một vụ ngộ độc than sưởi ấm trong phòng, làm bé gái 11 tuổi tử vong, bé trai 9 tuổi phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Rất may cháu bé đã bình phục và được về nhà.

 

Lạnh gây hại cho nhiều người - Ảnh 1.

Hàng loạt cây sưởi được lắp đặt tại khu vực ghế đá trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thời tiết rét đậm, rét hại thời gian qua cũng gây ra nhiều ca đột quỵ và những bệnh lý liên quan. Các bác sĩ cảnh báo thời tiết gây sốc cơ thể. Sưởi ấm thế nào để an toàn trong điều kiện quá lạnh hiện nay ở khu vực phía Bắc?

Viêm phổi, cảm cúm tăng mạnh

Từ ngày 7-1 thời tiết miền Bắc chuyển rét đậm, rét hại, lo ngại các bệnh thời tiết sẽ gia tăng, bên cạnh lo ngại các tai nạn do sưởi than, chở trẻ đi ngoài trời lạnh…

Những ngày gần đây, mỗi ngày đang có 20-30 bệnh nhi mắc cúm vào Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương. Đây là bệnh thời tiết điển hình, bởi hiện trung tâm có trên 200 bệnh nhi đang điều trị cúm, trong khi 2-3 tháng trước hầu như không có ca bệnh nào.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khoảng 25-30% trẻ vào khoa điều trị trong những ngày trời lạnh này mắc chứng viêm phổi – bệnh hay gặp trong những ngày thời tiết chuyển mùa. Ngoài ra, nhóm trẻ mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp cũng hay gặp.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết mỗi ngày có 20-30 trẻ mắc cúm vào viện, từ đầu năm 2020 đến nay trung tâm tiếp nhận xấp xỉ 2.000 bệnh nhân cúm. Có một số cháu có biến chứng viêm não hoặc phải thở oxy.

“Thời tiết 13-25 độ C là thuận lợi nhất cho các virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, những ngày trời ấm vừa qua lượng trẻ nhập viện có đông hơn so với những ngày rét đậm, rét hại” – bác sĩ Hải chia sẻ.

Đột quỵ cũng là chứng bệnh hay gặp trong những ngày trời lạnh, đặc biệt khi người già, người có bệnh nền gặp tình huống chênh lệch nhiệt độ quá mức: đang ở trong chăn ấm và ra ngoài trời/ngoài phòng có nhiệt độ thấp hơn nhiều, đi thể dục quá sớm hoặc quá muộn…

Lạnh gây hại cho nhiều người - Ảnh 2.

Nhóm công nhân phải đốt lửa để sưởi ấm cơ thể khi nhiệt độ Hà Nội xuống thấp – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cẩn thận sưởi than dễ bị lịm dần

Vụ bé gái ở Hà Giang chết đột ngột là vụ ngộ độc than sưởi đầu tiên ghi nhận trong mùa đông năm nay, nhưng rất cần phải lưu ý do năm nào cũng xảy ra tình trạng tương tự, đặc biệt là các gia đình ở vùng núi cao.

Đêm 1-1-2021, nhiệt độ các khu vực núi cao của huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La xuống mức 0 độ C, rét nhất từ đầu mùa đông; tại Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) và nhiều vùng ở Bắc Bộ nhiệt độ cũng xuống rất thấp.

Với mức nhiệt này, nếu gia đình không chuẩn bị các phương tiện sưởi ấm an toàn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong đốt sưởi trong phòng kín, do nguy cơ ngộ độc khí CO (carbon monoxit). Đáng chú ý là người ngộ độc khí do sưởi than có dấu hiệu lịm dần, không thể kêu cứu, khi được phát hiện thì thương vong đã xảy ra.

Bác sĩ Nam khuyến cáo để phòng bệnh trong những ngày này, giữ ấm là quan trọng nhất, đặc biệt với trẻ em và người già. Bên cạnh đó, các bữa ăn cần đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và hợp vệ sinh. Người già không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, cũng không nên tắm và gội đầu cùng lúc, tránh nguy cơ tai biến xảy ra.

Để tránh các bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị… hay xảy ra vào mùa đông-xuân, cha mẹ chú ý lịch tiêm chủng để tiêm đủ mũi cho trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng cần tiêm các vắcxin này để chuẩn bị một thai kỳ mạnh khỏe.

Trong năm 2020, rất nhiều phụ nữ mang thai bị cúm đến điều trị tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Do mắc bệnh trong thai kỳ và bệnh chuyển nặng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có bệnh nhân tử vong.

Tránh gió lạnh thổi vào mặt trẻ

Khảo sát tại Bệnh viện Nhi trung ương ngày 5-1, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hà ở Hà Tĩnh đưa con ra khám bệnh. Mẹ con chị Hà đi xe đêm ra Hà Nội và có mặt ở Bệnh viện Nhi lúc 3h30 sáng, 11h trưa khám và lấy đơn thuốc xong mẹ con chị lại ra xe về quê. Nhiều gia đình khác cũng đi xe tuyến từ các nơi và có mặt tại bệnh viện từ rất sớm.

lanh_-hanoi(2 1(read-only)

Người dân Hà Nội trong đợt rét đầu năm 2021 – Ảnh: T.T.D.

Những ngày rét đậm rét hại tới đây, bác sĩ khuyến cáo tránh cho trẻ dậy và đi lại từ quá sớm, do buổi chiều lưu lượng bệnh nhi đến khám thường thấp, cha mẹ có thể lựa chọn khám buổi chiều, thuận tiện hơn cho cả gia đình và cho trẻ.

Ngoài ra, có rất nhiều ý kiến khuyến cáo cha mẹ chở con bằng xe máy không nên cho trẻ ngồi phía trước – nơi đầu gió, gió thổi mạnh vào mặt mũi dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ sẽ có đợt lạnh dưới 20 độ C

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định không khí lạnh tăng cường sẽ khiến các tỉnh miền Bắc đón một đợt rét mới. Sau đó khối không khí lạnh này sẽ khuếch tán về phía nam gây giảm nhiệt tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.

Cơ quan khí tượng dự báo khoảng ngày 8 đến 9-1, TP.HCM và Nam Bộ chịu ảnh hưởng mạnh của khối không khí lạnh này. Đợt lạnh này được nhận định mạnh hơn đợt không khí lạnh cuối năm 2020. N

hiệt độ ở miền Đông Nam Bộ có thể xuống dưới 20 độ C, thấp nhất có thể xuống 18-19 độ C. Trong ngày 7-1, gió đông bắc lạnh khô vẫn chi phối thời tiết ở các tỉnh thành miền Nam. Trời ít mưa, ngày nắng gián đoạn. (LÊ PHAN)

LAN ANH
TTO